Hiện tại chưa nhiều công ty công bố kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh quý 3 nhưng một góc nhỏ bức tranh lợi nhuận đã lộ diện nhiều mảng tối.
Suốt tuần giao dịch trước, thị trường chứng khoán đã rất nhiều phiên tăng không nổi, giảm cũng không xong. Mỗi lần nỗ lực bứt phá tăng lên là một lần lực bán chốt lãi ngăn cản VnIndex vượt qua vùng 1.400 điểm để tiến lên vùng đỉnh cũ như các chỉ số khác.
VnIndex loay hoay quanh ngưỡng 1.400 điểm
Suốt tuần giao dịch trước, VnIndex đã loay hoay quanh ngưỡng 1.400 điểm. Mỗi lần chỉ số nỗ lực bứt phá qua ngưỡng cản khó này thì lực bán ra lại khiến chỉ số lùi lại. Phiên đầu tuần này, VnIndex lại một lần nữa cán mốc 1.400 điểm trong phiên nhưng ngay sau khi chạm ngưỡng này, VnIndex lại lùi nhẹ.
Biến động chỉ số VnIndex 1 tháng qua
Phía chứng khoán phái sinh, dù tăng khá tốt và lệch dương so với VN30-Index nhưng khối ngoại lại bán ròng lượng lớn hợp đồng khiến nhiều nhà đầu tư e ngại.
Theo thống kê của chứng khoán BSC, dòng tiền tuần qua vẫn duy trì tại các cổ phiếu lớn ngành Ngân hàng, VLXD, Hóa chất hỗ trợ chỉ số áp sát ngưỡng tâm lý 1,400 điểm. Số ngành tăng điểm áp đảo với 16/19 ngành cho dù mức độ phân hóa đã lớn hơn tuần trước. Những phiên giao dịch cuối tuần diễn ra trong biên độ hẹp với thanh khoản trung bình cho thấy thị trường vẫn cần thời gian tích lũy trước khi có vận động xu hướng rõ ràng hơn.
Kết quả kinh doanh-nguyên nhân chính níu kéo chỉ số VnIndex?
Theo nhiều chuyên gia trên thị trường chứng khoán, VnIndex quay về vùng điểm 1.400 trong bối cảnh mùa kết quả kinh doanh quý 3/2021 đang diễn ra. Kết quả kinh doanh quý 3 là yếu tố chính thúc đẩy hoặc kéo lùi thị trường chứng khoán vào thời điểm này bởi lẽ nó thể hiện sức khỏe của doanh nghiệp Việt trong quý vừa qua-quý mà nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 sẽ thể hiện rõ trong các con số.
Cũng theo nhận định của các chuyên gia, thời điểm này, sự phân hóa rõ nét giữa các cổ phiếu sẽ diễn ra cùng với những con số doanh thu, lợi nhuận được công bố.
Thống kê của Chứng khoán BSC cho thấy, tính đến 15/10, 26 công ty niêm yết trên 2 sàn (tỷ lệ 3.4%) công bố KQKD quý III với LNST sụt 39.6% so với cùng kỳ. Các cổ phiếu đã công bố phần lớn là cổ phiếu vừa và nhỏ. Cổ phiếu có mức sụt giảm LNST mạnh nhất so cùng kỳ gồm PPC (-125 tỷ) và BAX (-114 tỷ). Hoạt động công bố KQKD sẽ tập trung trong 2 tuần tới. Bức tranh LNST sẽ có nhiều thay đổi nhưng nhìn chung KQKD sụt giảm hiện tại cũng phản ánh phần nào mức độ khó khăn của nền kinh tế và doanh nghiệp trong thời gian giãn cách kéo dài.
Chính bởi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đang là yếu tố lớn tác động đến quyết định mua, bán của nhà đầu tư, Chứng khoán MBS cho rằng trong tuần giao dịch này, VN-Index sẽ sideway-up biên độ hẹp trong vùng dao động 1.380 – 1.420 điểm trong trạng thái chờ KQKD của nhiều doanh nghiệp niêm yết.