Những túi rác chứa đầy găng tay y tế đã qua sử dụng, một số còn dích bùn, vấy máu, nằm la liệt trên sàn một nhà kho ở ngoại ô Bangkok.
Gần đó là một chiếc bát nhựa đựng đầy thứ thuốc nhuộm màu xanh và một vài chiếc găng tay khác. Giới chức Thái Lan cho biết, những người lao động nhập cư đang cố gắng “phù phép” để cho những chiếc găng tay này nhìn như mới. Chúng sẽ được bán sang nước ngoài.
Có rất nhiều nhà kho như thế vẫn đang hoạt động hàng ngày ở Thái Lan, nơi những kẻ vô lương tâm cố gắng thu lợi từ cơn khát găng tay y tế khi đại dịch Covid-19 bùng nổ. Hàng triệu chiếc găng tay dưới tiêu chuẩn này sẽ được xuất sang Mỹ và nhiều nước khác trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt toàn cầu cần nhiều năm để có thể giải quyết.
Một cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng của CNN phát hiện ra hàng chục triệu chiếc găng tay loại này đã được đưa tới Mỹ. Và đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhà chức trách Mỹ và Thái Lan đang tiến hành các cuộc điều tra hình sự về vụ việc gây chấn động này.
Trong khi đó, các chuyên gia mô tả ngành công nghiệp này là “đầy rẫy gian lận” và một trong số đó còn gọi găng tay được phù phép chính là “mặt hàng nguy hiểm nhất hành tinh ở thời điểm hiện tại”. Tệ hại hơn, có vẻ đến lúc này các nhà chức trách liên bang của Mỹ mới ý thức được tính nghiêm trọng của vấn đề và quy mô khủng khiếp của nó.
Những kẻ bất lương làm loạn khi cầu vượt xa cung
Đại dịch bùng lên, Mỹ đã phải đình chỉ một số quy định đối với đồ bảo hộ nhập khẩu từ nước ngoài. Đến hôm nay, các biện pháp đó vẫn chưa được gỡ bỏ. Đó là lý do chính khiến giới chức Mỹ đang phải đau đầu tìm cách xử lý những hành vi buôn bán bất hợp pháp này cho dù nó đặt các nhân viên y tế và bệnh nhân mắc Covid-19 dưới sự đe dọa khủng khiếp.
Đầu năm 2020, nhu cầu với đồ bảo hộ cá nhân tăng vọt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan ra toàn cầu. Cùng với đó, giá găng tay y tế được đẩy lên mức cao. Chúng là đồ bảo hộ không thể thiếu cho các bác sĩ và nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc các bệnh nhân mắc Covid-19. Loại găng tay nhựa, với khả năng bảo hộ kém hơn, đã bị cấm trong lĩnh vực y tế.
Găng tay cao su chủ yếu được sản xuất ở châu Á nhờ nguồn cao su tự nhiên dồi dào. Kết hợp với các nhà máy tự động hóa cao, đây chính là công xưởng găng tay cao su của thế giới. Tuy nhiên, khi nhu cầu tăng đột biến, các nhà máy không thể tăng công suất tương đương để có thể đáp ứng được nhu cầu. Điều này dẫn tới việc các loại găng tay kém chất lượng có đất sống.
Khi chính phủ các nước và hệ thống bệnh viện tranh giành nhau nguồn găng tay y tế, một loạt các công ty mờ ám nổi lên vì lợi ích quá khủng. Cuối năm ngoái, Tarek Kirschen, một công ty có trụ sở tại Miami, đã đặt khoảng 2 triệu USD tiền găng tay từ một công ty có trụ sở ở Thái Lan tên là Paddy the Room. Sau đó, những găng tay này được bán cho một nhà phân phối ở Mỹ.
“Chúng tôi nhận được các cuộc gọi phàn nàn từ khách hàng. Họ la hét vào mặt chúng tôi về việc những chiếc găng tay mới nhưng bị bẩn. Thậm chí, một số chiếc còn có vết máu hay còn vết ghi này tháng, cho thấy nó được dùng từ 2 năm trước. Tôi không thể tin vào mắt mình”, Kirschen nói với CNN.
Những chiếc găng tay y tế mà Paddy the Room Trading của Thái Lan cung cấp rõ ràng là những chiếc găng tay đã qua sử dụng, được phù phép để trông có vẻ mới. Điều đó buộc Kirschen phải hoàn tiền cho khách hàng, vứt đống găng tay này vào thùng rác và thông báo cho Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vào tháng 2/2021.
Tuy không có găng tay nào mà Kirschen cung cấp được dùng cho lĩnh vực y tế nhưng hồ sơ nhập khẩu cho thấy các nhà phân phối khác của Mỹ đã mua khoảng 200 triệu đôi găng tay từ Paddy the Room trong suốt thời kì dịch bệnh. Không ai biết chuyện gì đã xảy ra với những chiếc găng tay này sau khi chúng được nhập khẩu vào Mỹ.
CNN đã cố gắng liên hệ với các nhà nhập khẩu nhưng phần lớn họ không phản hồi. 2 trong số đó thì nói rằng họ nhận được các lô hàng không đạt chuẩn, bao gồm cả những chiếc găng tay không được làm từ cao su. Chúng không thể được bán cho các công ty y tế theo kế hoạch của các nhà nhập khẩu này. Thay vào đó, chúng được bán cho các nhà máy chế biến thực phẩm, khách sạn và nhà hàng ở Mỹ.
Găng tay giả bị phát hiện và thu giữ.
Những âm mưu lừa đảo được tính toán trước
Những vụ lừa đảo tương tự nở rộ kể từ khi dịch bệnh bùng lên. Tình trạng khan hiếm khiến nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đặt cọc trước 100% số tiền với hy vọng có được hàng. Tuy nhiên, đằng sau Paddy the Room là một âm mưu lừa đảo được chuẩn bị công phu. Công ty này gửi cho người mua những báo cáo độc lập nhằm đảm bảo rằng găng tay trong những lô này là hàng chất lượng cao.
Tuy nhiên, các tài liệu này đều là giả mạo. Một trong các công ty thẩm định được cho là tiến hành các báo cáo này cũng đã chính thức lên tiếng khẳng định họ hoàn toàn không liên quan đến các sản phẩm này. Hàng loạt cảnh báo đã được gửi tới nhà chức trách Mỹ nhưng găng tay giả vẫn được nhập khẩu. Riêng tháng 2, hàng chục container găng tay do Paddy the Room sản xuất vẫn được đưa vào Mỹ dù đã có cảnh báo.
Theo FDA, tình trạng khan hiếm găng tay đã khiến việc kiểm tra bị nới lỏng. Người ta chỉ phát hiện ra vấn khi những lô hàng này đã tới nơi thay vì kiểm tra ở các cảng. Phải tới tháng 8, FDA mới gửi cảnh báo đến nhân viên hải quan Mỹ về việc tạm giữ các lô hàng từ Paddy the Room mà không cần phải kiểm tra. Tuy nhiên, đó là 5 tháng sau khi Kirschen gửi cảnh báo tới FDA.
Cuối năm ngoài, nhà chức trách Mỹ cũng phối hợp với giới chức Thái Lan để đột kích vào các nhà kho của Paddy the Room và phát hiện ra những sự thật kinh hoàng. Chủ nhà kho đã bị bắt giữ nhưng họ không thể buộc tội người thuê nhà kho này, một người Hồng Kông, Trung Quốc.
Vài tháng sau, phía Thái Lan lại truy quét một địa điểm phù phép găng tay khác. Ít nhất 10 cuộc truy quét đã được tiến hành. Tuy nhiên, khi một đầu bị chặt, một đầu khác sẽ mọc lên bởi lợi nhuận khổng lồ mà hoạt động kinh doanh bất hợp pháp này mang lại cho những kẻ vô lương tâm, khi mà nhu cầu quá lớn trên toàn thế giới.
Hiện tại, Mỹ và Thái Lan vẫn đang phối hợp điều tra.