Sau bài số 3, Tại sao có nhiều loại cryptocurrency như hiện nay? Bitcoin vs Altcoins, mình định đem đến cho anh em bài số 4, Mất tiền trong crypto, làm sao để tránh? (đang viết). Nhưng mình nghĩ bài này sẽ thích hợp hơn để nối tiếp bài số 3.
Lưu ý nhỏ (lại bài ca cũ):
Bài viết chỉ là ý kiến cá nhân, chia sẻ kiến thức nói chung, không nhằm kêu gọi anh em đầu tư. Tài sản ảo nói chung vẫn chưa được nhà nước Việt Nam công nhận, anh em vui lòng cẩn thận.
Mình biết nhiều anh em khi nghe tới “cryptocurrency” đều liên tưởng ngay lập tức nó là một dạng tiền tệ. Thành ra mới có nhiều comment kiểu như:
- Nếu là tiền thì tại sao giá trị của nó lại phải đi kèm với một loại tiền tệ khác như USD. Rồi cuối cùng cũng phải xài USD.
- Không có cái đồng tiền nào mà giá cả nó lên xuống chóng mặt như vậy.
- Tiền gì mà không có ai quản lý, ai cũng có thể tạo ra.
Có suy nghĩ này cũng không có gì lạ. Anh em biết Charlie Munger không? Ông Charlier Munger là cánh tay phải của Warren Buffet ở Berkshire Hathaway. Cả hai đều được coi là huyền thoại (legendary) của giới đầu tư, đều không thích cryptocurrency nói chung và đặc biệt Bitcoin. Trong một buổi gặp thường niên của Berkshire Hathaway vào năm nay, Charlie Munger trả lời khi được hỏi về thị trường cryptocurrency đã đạt giá trị vốn hoá hơn 2 nghìn tỷ USD. Câu trả lời đại khái của ông Muner là:
“Of course I hate the bitcoin success. I don’t welcome a currency that’s so useful to kidnappers and extortionists and so forth, nor do I like just shuffling out of your extra billions of billions of dollars to somebody who just invented a new financial product out of thin air. I think I should say modestly that the whole damn development is disgusting and contrary to the interests of civilization”
Dịch đại khái là:
“Tôi ghét sự thành công của Bitcoin. Tôi không hoan nghênh cái loại tiền tệ lại hữu ích cho bọn tội phạm. Tôi không thích cái loại tài sản tài chính được tạo ra từ không khí (out of thin air), khi mà tỷ, tỷ USD rơi vào tay cái người chế ra nó. Tôi cho rằng cái công nghệ này là kinh tởm (disgusting), và đi ngược lại với những lợi ích của văn minh nhân loại”.
Chân thành chia sẻ với anh em, khoảng mấy năm trước khi nghe về Bitcoin hay các loại crypto khác, mình cũng có suy nghĩ y chang. Đặc biệt là cái số 1, vì vào năm 2017, mình có đọc được bài báo là founder của Litecoin (hard fork từ Bitcoin) bán hết tất cả Litecoin mình có. Kể từ đó, mình mặc định crypto là scam hết, vì làm gì có vụ tạo ra một cái tiền mới rồi lại đi bán lấy đô la Mỹ mà xài.
Tới gần đây, khoảng cuối năm 2020, sau khi chuyển qua UK (một bước ngoặt của mình), bắt đầu chập chững đầu tư (chứng khoán trước, sau đó mới cryptocurrency), mình mới có suy nghĩ khác sau khi tìm hiểu nó đủ kỹ. Sau này mình sẽ viết một bài tại sao mình lại đầu tư, không kêu gọi gì đâu, chỉ chia sẻ một tí về bản thân thôi.
Tại sao đối với mình cryptocurrency không phải là tiền.
Nếu anh em có theo dõi bài số 3 của mình giải thích tại sao lại có nhiều loại cryptocurrency như hiện nay, mình có viết:
“Đối với BTC, ETH, ADA, mình nhìn những native token, đặc biệt là ETH hay ADA này như là cổ phần của một công ty. Mình là đứa yêu thích công nghệ, nếu mình cảm thấy thích công nghệ họ làm, cách họ tạo ra platform cho developers phát triển app, thì mình mua như một dạng đầu tư, còn không thích thì không chơi.”
Những cryptocurrency như ETH hay ADA mục đính chính ban đầu là một dạng ‘tiền’ để thanh toán cho các miner xử lý giao dịch, ghép khối vào blockchain. Users và cả developers đều cần những native token để giao tiếp với blockchain. Vậy đó, thuận mua, vừa bán. Miner họ mine được, bạn cần thì họ bán. Sau khi ra tới thị trường rồi thì nó vận hành theo cơ chế thị trường (giá cả do thị trường quyết định theo cung và cầu), mà giá của nó sẽ được gắn vào một loại tiền tệ thực sự như USD để giao dịch. Rồi từ đó mọi người (không phải developers và users) thấy được cái nhu cầu, nên họ mua rồi đầu tư tương tự như cổ phiếu vậy đó.
Còn cái anh BTC này thì sao, cái anh BTC này rất đặc biệt. BTC này khi được phát minh bởi Satoshi Nakamoto, mục đính chính là dùng như một dạng thanh toán ngang hàng (peer-to-peer). Nhưng cho tới thời điểm hiện tại, ai cũng phải nhìn nhận là về cơ bản là nó gần như đã không còn dùng cho mục đích đó nữa. Có 2 lý do chính: 1. Để mine được 1 block mất 10 phút, 2. Size của 1 block khoảng 1 MB. Vì hai lý do này, trong 1 giây, chỉ có khoảng 2-5 giao dịch được xử lý, quá quá ít để có thể trở thành phương tiện thanh toán hàng ngày. Rốt cuộc, BTC gần như không còn dùng thành một dạng tiền tệ nữa. Đối với những người bỏ tiền vào BTC, họ xem BTC như một phương tiện để tích luỹ (store of value). Cho nên hiện tại, mấy người bỏ tiền vào BTC xem nó như là ‘digital gold’, mua rồi cứ giữ đó.
Lần trước, mình đọc được 1 comment rất hay của 1 thành viên trên Reddit khi giải thích về “store of value” của BTC. Đại khái là: “Tiền điện, tiền phần cứng dùng đào BTC là cái thứ vô hình chung được ‘store’. Càng khó khăn đào được nó (mỗi ngày mỗi khó), tiền điện, tiền phần cứng tốn càng nhiều, thì giá trị của của nó lại càng tăng. Vì mấy cái anh miner này đâu có ngu gì mà tốn 10k USD (tiền điện, phần cứng) đào được 1 BTC mà lại đem đi bán cho anh em với giá dưới 10k USD”.
Cái giá của cryptocurrency hiện nay, đặc biệt BTC hiện nay, làm nhiều người không thể hiểu vì so với ETH hay ADA, BTC không có cái platform nào cho developers làm app và users sử dụng nó. Vậy tại sao mọi người vẫn cứ mua nó? Tại nó là cái cryptocurrency đầu tiên? Tại nó hiếm (21,000,000 tổng cộng)? Nói thật, mình cũng không chắc là mình hiểu lắm. Nhưng mà có cái mình chắc là khi nói về giá cả của một vài thứ, hành vi của con người khi nhìn nhận giá trị của nó rất khó hiểu.
Theo anh em, tại sao con tem này lại có giá 8.3 triệu USD? Tại nó hiếm, tại nó lâu đời?
Nguồn: The Guardian
Theo anh em tại sao cái thẻ bóng rổ Honus Wagner này lại có giá 6.6 triệu USD? Tại nó hiếm, tại nó lâu đời?
Nguồn: Forbes
Theo anh em tại sao cái thẻ Pokemon ‘Charizard 1st Edition Shadowless Base Set’ này lại có giá gần nửa triệu USD. Tại nó hiếm? (Mấy cái thẻ Pokemon này càng ngày càng có giá, anh em nào có, kiểm tra nhé ?
Nguồn: Dexerto.com
Những thứ mình đưa ra ví dụ cho anh em bên trên, với người hiểu nó thì họ xem nó như báu vật, như vàng, nên họ bỏ tiền ra họ mua. Với người khác, không hiểu thì xem mấy thứ bên trên như tờ giấy, như rác.
Cryptocurrency cũng vậy. Ai không hiểu thì xem nó như một thứ lừa đảo, đa cấp. Ai hiểu thì xem nó như một dạng đầu tư nên mua. Vì nó không phải là tiền, mà là một dạng đầu tư nên dĩ nhiên giá cả của nó sẽ thay đổi theo cung cầu rồi ?
(Có shitcoin, coin đa cấp các kiểu, mình không phủ nhận nhé. Nhưng anh em phải tự trang bị kiến thức để không bị lừa. Mình sẽ có bài viết đó cho anh em).
Vậy tại sao đối với mình cryptocurrency lại là tiền
Để trả lời câu hỏi này, mình phải định nghĩa lại một chút tiền là gì (nhiều anh em chắc không để ý). Tiền có 3 chức năng chính:
- Phương tiện thanh toán (Medium of exchange): dùng để mua bán hàng hoá, dịch vụ.
- Đo lường giá trị (Measure of value): dùng để định giá hàng hoá, dịch vụ, sức lao động, vân vân.
- Phương tiện tích luỹ (store of value): giá trị của tiền về cơ bản phải ổn định, có thể lưu trữ, khi cần thiết có thể dùng để thanh toán. Ví dụ tờ tiền 100 USD sau 1 năm vẫn phải có giá trị 100 USD. Thông thường chức năng này đôi lúc không chính xác lắm, vì có bị ảnh hưởng bởi lạm phát.
Như mình giải thích bên trên, mấy cái cryptocurrency nó nhìn chung giống như một dạng đầu tư. Nhưng cái hay của nó là bạn có thể dùng nó như một phương tiện thanh toán. Tại vì nó cho phép anh em thanh toán ngang hàng. Nó khác hoàn toàn với cổ phiếu – một dạng đầu tư.
- Ví dụ, một người rao bán cái xe giá 25k USD, giá BTC hiện tại 50k USD, anh em chỉ cần chuyển cho họ 0.5 BTC là xong. Cái cổ phiếu nó không cho phép anh em làm vậy.
- Ví dụ, giá 1 cổ phiếu Apple hiện tại là 154 USD. Nếu mình muốn mua cái iPhone 12 Pro max, giá 1099 USD, mình không thể chuyển cho nhân viên thanh toán ở Apple Store khoảng 7.2 cổ phiếu Apple được. Quy trình là bạn phải bán cái cổ phiếu ra tiền mặt, rồi từ đó dùng nó để chi tiêu.
Cryptocurrency cho phép mọi người thanh toán (về cơ bản chỉ là gửi và nhận), làm cho nó cũng giống như tiền.
Lời kết:
Mình đoán bài viết này sẽ đem lại nhiều tranh cãi, vì nhiều anh em vẫn không chấp nhận được một thứ vừa không phải là tiền, mà cũng lại là tiền. Mình viết bài này, cũng không phải đi biện minh cho cái giá cả của nó, thiệt ra giá cả của nó tuân theo quy luật cung cầu quyết định cả thôi. Mình viết bài này, cũng chỉ mong đem đến cho anh em theo nhìu khía cạnh khi tiếp xúc tới một cái mới như blockchain nói chung hay cryptocurrency nói riêng. Anh em đừng cứ chăm chăm vào giá hay để ý cái thằng BTC dữ quá, xem có bài toán gì mình có thể giải quyết thì mình build sản phẩm, kiếm tiền từ đó. Blockchain developer bây giờ được săn dữ lắm, lương có khi lên tới cả 100k USD/năm. Còn anh em nào giỏi đầu tư, nhưng chưa có kiến thức về blockchain với cryptocurrency thì tìm hiểu thêm để khỏi bị tụi đa cấp nó lừa.
Nói về chuyện build sản phẩm. Trong bài số 1, có nói với anh em về chuyện mua bán nhà đất bằng blockchain có thể chia nhỏ ra mà bán. Nhiều bài toán phức tạp có thể giải quyết. Mấy hôm trước mình đọc được 1 bài trên VNExpress tựa ‘Chia nhỏ căn nhà, bán giá 3 triệu đồng một phần’, mới biết bên Moonka họ đang làm cái mình nói. Anh em vào đọc cho vui, nhưng mình KHÔNG khuyến khích anh em bỏ tiền vào vì vài lý do sau (sau khi đã đọc Whitepaper của họ và thử đăng ký tài khoản, làm một số thứ với nó):
- Nhà nước Việt Nam vẫn chưa công nhận tài sản ảo, mặc dù không cấm anh em giao dịch.
- Mình không thấy họ đề cập đến vai trò của Nhà nước, cụ thể là Bộ, Sở, Phòng Tài Nguyên và Môi Trường trong này. Nhà đất, chứ không phải một dạng hàng hoá bình thường, nên mua kiểu này mình không biết quyền sở hữu của bạn được công nhận hay không.
- Công ty với đội ngũ là người Việt, giao dịch đất đai ở Việt Nam, nhưng lại đăng ký kinh doanh bên British Virgin Islands (chỗ này người ta gọi là tax haven hay thiên đường trốn thuế).
- Họ hoạt động dựa trên smart contract (MOONKA token), mình chưa thấy code của họ được kiểm tra (audit). Blockchain thì có thể không hack được, như smart contract là có thể bị hack nhé anh em, mà bị hack là khả năng mất tài sản rất cao.
- Họ giải bài toán này vẫn chưa hay và nhập nhằng dữ lắm. Chưa hay chỗ nào, giải quyết ra sao, mình sẽ không nói. Hehe.
Nguồn: tinhte.vn