Dù chịu nhiều tác động từ dịch bệnh nhưng các công trình trọng điểm vẫn được phép triển khai, chủ đầu tư và nhà thầu đang nỗ lực vượt khó, thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm tiến độ.
Bổ sung thêm dự án vào danh mục cấp bách
Bộ Giao thông Vận tải vừa đề nghị UBND TP HCM bổ sung dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào danh mục các dự án cấp bách, được phép triển khai trên địa bàn thành phố, nhằm bảo đảm tiến độ hoàn thành vào ngày 31/12/2021.
Trước đó, UBND thành phố đã cho phép 7 nhóm công trình trọng điểm thuộc danh mục dự án cấp bách được phép triển khai trong tình hình dịch bệnh. Đề nghị Công an Thành phố, các sở, ngành và đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đơn vị triển khai thi công các dự án, đảm bảo không ảnh hưởng tiến độ công trình.
Theo danh mục, các dự án gồm: Các công trình xây dựng phục vụ công tác chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố; tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên); xây dựng cầu Thủ Thiêm 2; xây dựng cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới trên xa lộ Hà Nội; công trình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm; xây dựng hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ và 3 công trình xây dựng tại BV Nhi đồng 1.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố (TCIP) cho biết, trong số các công trình trọng điểm trên, có 3 công trình do TCIP làm chủ đầu tư. Tuy có một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong giai đoạn giãn cách, đặc biệt là công tác hậu cần, cung cấp vật tư, nguyên liệu, cấu kiện đúc sẵn… nhưng các công trình đang được tập trung tối đa mọi nguồn lực để thi công.
Cập nhật về tiến độ thi công, ông Phúc cho biết, tại công trình xây dựng cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới, đơn vị thi công đã hoàn tất công tác bê-tông cầu và nền đá đường đầu cầu số 3, đường song hành… Riêng khâu thảm bê-tông nhựa đang tìm nhà cung cấp mới do một số đơn vị cung cấp bê-tông nhựa tạm dừng hoạt động trong thời gian giãn cách. Dự kiến sau khi có nhà cung cấp mới, đơn vị thi công hoàn tất các khối lượng thi công còn lại trong tháng 9/2021.
Tại công trình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, các nhà thầu đang tập trung triển khai những hạng mục cây xanh, chiếu sáng, lát đá vỉa hè… Dự kiến toàn bộ khối lượng công trình hoàn thành vào cuối tháng 9/2021.
Xét nghiệm Covid-19 cho đội ngũ kỹ sư, nhân viên và công nhận tại dự án Metro số 1. (Ảnh: MAUR) |
Còn công trình xây dựng hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, đang trong giai đoạn thi công các hạng mục đốt hầm kín K0T, các đốt hầm hở, trạm bơm của hầm chui HC2. Công tác di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật (bao gồm đường dây 220 KV Tao Đàn – Nhà Bè và hệ thống cấp nước, trong đó có hệ thống cấp nước D1200 của Công ty BOO Thủ Đức) cũng đang được chuẩn bị triển khai.
Dự kiến trong quý IV/2021, sau khi hoàn tất công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, đơn vị thi công sẽ tập trung triển khai thi công các đốt hầm kín còn lại và hoàn tất hạng mục trạm bơm của hầm chui HC2, cũng như các hạng mục khác theo tiến độ đã đề ra.
Tất cả đều thực hiện “3 tại chỗ”
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc TCIP, các đơn vị thi công đang cố gắng duy trì tiến độ thi công theo mô hình “ba tại chỗ”. Hiện các lực lượng thi công cư trú, làm việc tại công trường, tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, duy trì giãn cách trong quá trình thi công, thường xuyên test Covid-19 định kỳ.
Đặc biệt, các đơn vị kiểm soát chặt chẽ các khâu tiếp phẩm, tiếp nhận vật tư, thiết bị, cấu kiện… từ bên ngoài đưa vào công trường, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch Covid-19. TCIP cũng phối hợp với các đơn vị trong việc tổ chức tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19 cho toàn thể lực lượng thi công tại công trường.
“Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông luôn cố gắng khắc phục các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong giai đoạn giãn cách để duy trì tiến độ thi công”, ông Phúc chia sẻ.
Các đơn vị thi công đều thực hiện theo mô hình “ba tại chỗ”. (Ảnh: MAUR) |
Tương tự, thông tin mới nhất từ Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR) – chủ đầu tư tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), dự án đang thi công các gói thầu CP1a, CP1b, CP2 và CP3 với tổng số nhân lực là 5.279 người/tuần. Trong đó, gói thầu CP1a áp dụng cả 2 hình thức là “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”; gói thầu CP2 áp dụng “3 tại chỗ”. Đến thời điểm này, tổng tiến độ tuyến metro số 1 đạt 87,41%.
Theo MAUR, để bảo đảm an toàn vừa thi công vừa phòng chống dịch bệnh, toàn bộ kỹ sư, công nhân đều tuân thủ nguyên tắc 5K, “3 tại chỗ”. Đến nay, đã tiêm vắc-xin mũi 1 cho khoảng 1.400 chuyên gia, kỹ sư, nhân viên và công nhân của dự án. Sắp tới đây sẽ tiếp tục tiêm vắc-xin cho nhân sự còn lại của các các tư vấn, tổng thầu.
“Chúng tôi chủ động vượt qua khó khăn để bảo đảm tiến độ dự án. Chủ đầu tư, các nhà thầu một mặt chú trọng công tác bảo đảm an toàn phòng chống dịch trên toàn bộ các công trường và trụ sở của dự án; một mặt cố gắng tối đa để duy trì thi công, không để chậm trễ tiến độ”, đại diện MAUR chia sẻ.
Trước đó, ngày 2/9, cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn (nối liền TP Thủ Đức và quận 1) đã chính thức hoàn thành lắp đặt dầm thép cuối cùng. Để có được kết quả này, chủ đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh và nhà thầu đã bố trí phương án “3 tại chỗ”; tổ chức xét nghiệm định kỳ cho toàn bộ cán bộ kỹ thuật và công nhân, vừa đảm bảo nguồn lực để thi công được liên tục, vừa đảm bảo bảo chống dịch hiệu quả.
Nguồn: baodautu.vn