Các công ty Mỹ đã đăng ký đầu tư trực tiếp gần 10 tỷ USD vào Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, đấy là chưa kể những tập đoàn gốc Mỹ hoạt động đa quốc gia đặt trụ sở tại Singapore gián tiếp rót vốn vào Việt Nam.
Phó tổng thống Mỹ Kalama Harris sẽ có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 24 – 26/8 sau khi rời Singapore. Bà Kalama là Phó tổng thống đầu tiên của nước Mỹ thăm chính thức Việt Nam.
Trên góc độ đầu tư, nhiều “đại bàng” Mỹ đã đến Việt Nam làm ăn kể từ sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995.
Tính đến hết tháng 7 năm nay, Mỹ đã đăng ký đầu tư trực tiếp gần 9,7 tỷ USD vào Việt Nam, xếp thứ 11 trong số các quốc gia. Nhưng các công ty Mỹ cũng hoàn toàn có thể đầu tư vào Việt Nam thông qua “điểm trung chuyển” Singapore, có vai trò như một hub cho các công ty đa quốc gia.
Thương hiệu Mỹ tạo doanh thu nhiều nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại là Intel. Năm ngoái, nhà sản xuất chip nhớ, bán dẫn đạt doanh thu hơn 38.400 tỷ đồng, tăng gần 60% so với năm trước đó.
Hiện tại, tổng vốn đầu tư của Intel tại Việt Nam vào khoảng 1,5 tỷ USD. Trong đó 475 triệu USD đã được thực hiện từ tháng 6/2019 đến tháng 12/2020 nhằm tăng cường các sản phẩm 5G và bộ xử lý Intel Core công nghệ hybrid. Điều này góp phần lý giải vì sao doanh thu của tập đoàn công nghệ Mỹ tăng đột biến trong năm 2020.
Intel Việt Nam chiếm đến 70% giá trị xuất khẩu của Khu công nghệ cao TP HCM (SHTP) trong năm ngoái, tổng giá trị khoảng 13 tỷ USD.
Jabil Việt Nam, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ thiết kế, sản xuất và quản lý sản phẩm cho các công ty điện tử toàn cầu cũng đã chạm mốc doanh thu 1 tỷ USD.
First Solar, công ty sản xuất tâm pin mặt trời mới chỉ đầu tư vào Việt Nam cách đây vài năm tăng trưởng hết sức nhanh chóng đạt doanh thu 21 nghìn tỷ đồng năm 2020.
Ford Việt Nam sản xuất ô tô đạt 16 nghìn tỷ đồng. Cargill sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản phẩm nông nghiệp doanh thu 17 nghìn tỷ đồng.
Những doanh nghiệp nói trên là những “cánh đại bàng Mỹ” lớn nhất tại Việt Nam, dù có thể đến sớm, đến muộn.
Nhưng đương nhiên, còn nhiều cái tên khác lớn và nổi tiếng không kém tạo ra hàng nghìn đến chục nghìn tỷ đồng doanh thu mỗi năm, có thể liệt kê như: Crown Cork (sản xuất bao bì, đóng lon) gần 11 nghìn tỷ đồng, Hanesbrands (dệt may) hơn 8,6 nghìn tỷ đồng, 3A Nutrition (phân phối sữa Abbott) gần 11,2 nghìn tỷ đồng, Coca Cola Việt Nam (đồ uống) 8 nghìn tỷ đồng, GE Việt Nam – Hải Phòng (sản xuất tuabin gió) 7 nghìn tỷ đồng, P&G (hàng tiêu dùng) 7,6 nghìn tỷ đồng, Kimberly Clark (hàng tiêu dùng) 5,8 nghìn tỷ đồng… trong năm 2020.
Hiện tại, đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại khu vực phía Nam, đặc biệt là tại TP HCM. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đặt nhà máy tại đây với hàng nghìn công nhân.
Như khi TP HCM ban hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Intel Việt Nam chọn sản xuất theo phương án “1 cung đường, 2 địa điểm” cho 1.870 lao động trực tiếp và 1.500 lao động gián tiếp, các nhà thầu… phải lưu trú tại các khách sạn thành phố. Chi phí phát sinh trong vòng một tháng khoảng 140 tỷ đồng và đang tiếp tục tăng thêm.
“Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách và kế hoạch sản xuất của công ty trong dài hạn”, bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại của Intel Việt Nam và Malaysia nói.
Bà thông tin thêm, nhà máy Intel tại Việt Nam đang đảm nhận sản lượng rất lớn, các sản phẩm bán dẫn cho tập đoàn và công ty đang xuất cho nhiều nước lớn trên thế giới. Vì thế, nhà máy có vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong 6 tháng đầu năm nay, Intel tại Việt Nam chiếm 64% tổng giá trị xuất khẩu của cả Khu công nghệ cao và đóng góp khoảng 30% giá trị xuất khẩu của cả TP HCM.