Hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng đã và sẽ được phát hành để các nhà băng tăng vốn trong năm 2021 bằng phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu, chào bán riêng lẻ, chào bán cho cổ đông chiến lược.
Hàng tỷ cổ phiếu được phát hành
Mùa đại hội cổ đông năm 2021 của ngành ngân hàng đi qua trong niềm hân hoan của cổ đông khi những con số lợi nhuận khủng được công bố, cùng với đó là hàng loạt kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu chia cổ tức. Diễn biến giá cổ phiếu ‘vua’ cũng tăng trưởng vượt bậc, đã có những cổ phiếu ‘ăn bằng lần’ chỉ trong nửa đầu năm 2021.
Theo thống kê của Tạp chí Nhà đầu tư, ít nhất sẽ có hơn 7 tỷ cổ phiếu ngân hàng sẽ được chia trong nửa cuối năm 2021 để hiện thực hoá kế hoạch các nhà băng được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua.
Những ngân hàng dẫn đầu trong kế hoạch tăng vốn năm 2021 là VPBank, Vietcombank, Vietinbank hay MB. Trong khi Vietcombank và BIDV đang chờ Chính phủ phê duyệt kế hoạch chia cổ tức thì VietinBank và MB thông báo đã chốt danh sách chia cổ tức vào nửa đầu tháng 7/2021 với tỷ lệ chi cổ tức lần lượt là 29% và 35%.
Cổ đông của VPBank mới đây đã tán thành phương án tăng vốn điều lệ năm 2021 của ngân hàng từ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu từ nguồn Quỹ đầu tư và Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Theo đó, VPBank sẽ là ngân hàng dẫn đầu hệ thống về tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu là 62,15 %và 17,85 % là phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Thực hiện thành công kế hoạch đề ra, 5 ngân hàng trên sẽ dẫn đầu hệ thống về vốn điều lệ, lần lượt là: Vietcombank (50.401 tỷ đồng), BIDV (48.524 tỷ đồng), Vietinbank (48.057 tỷ đồng), VPBank (45.057 tỷ đồng), MB (37.782 tỷ đồng).
Một trường hợp khá đặc biệt là Techcombank dù năm nay không có kế hoạch tăng vốn trong năm nay nhưng vốn điều lệ của ngân hàng này vẫn khá cao là hơn 35.000 tỷ đồng.
Một số ngân hàng quy mô nhỏ hơn cũng có kế hoạch tăng vốn ‘khủng’ trong năm nay như: MSB sẽ tăng vốn điều lệ thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%, nâng tổng vốn điều lệ lên 15.275 tỷ đồng; SHB chia cổ tức cả năm 2019 và năm 2020 với tỷ lệ 20,5% nâng vốn điều lệ lên 26.674 tỷ đồng; OCB dự kiến trả cổ tức với tỷ lệ 25%, nâng vốn điều lệ lên 13.698 tỷ đồng; HDBank sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 25% nâng vốn điều lệ lên 20.273 tỷ đồng; LienVietPostBank sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 12% nâng vốn điều lệ lên 15.703 tỷ đồng.
Một số ngân hàng đã kịp chia một phần hoặc toàn bộ cổ tức theo kế hoạch đề ra như: SHB đã phát hành 175 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 10%); ACB cũng đã phát hành hơn 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ 25%); VIB phát hành 443 triệu cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 40%); VietBank phát hành hơn 58,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ 14%).
Theo thống kê nêu trên, ngoài một số ngân hàng đã chi trả cổ tức sớm thì từ nay tới cuối năm sẽ có khoảng trên 70.000 tỷ đồng được các ngân hàng thu về qua phát hành cổ phiếu chia cổ tức. Cùng với đó, một số ngân hàng có kế hoạch bán cổ phiếu quỹ với giá ưu đãi (cổ phiếu ESOP) cho cán bộ, công nhân viên, tuy nhiên số này không lớn, vào khoảng hơn 2.400 tỷ đồng trong năm 2021. Không chỉ tăng vốn thông qua hoạt động chia cổ phiếu bằng cổ tức, một số ngân hàng cũng lên kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, cổ đông chiến lược, cổ đông nước ngoài. Số này chiếm khoảng trên 20% tổng số cổ phần các ngân hàng sẽ phát hành từ nay tới cuối năm để tăng vốn.
Cho đến thời điểm hiện tại, khoảng trống room ngoại của các nhà băng Việt vẫn còn khá lớn. Ngoại trừ ACB gần như đã kịch trần 30%, room ngoại tại VPBank mới ở mức 15%, Techcombank là 22,5%, HDBank là 21%, OCB cũng còn lại 10%, còn tại SHB mới chỉ đạt 4%… Nhiều ngân hàng cũng đã đưa kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư ngoại chiến lược trong năm 2021 như VPBank, MSB, Lienvietpostbak, SCB, SeABank, Bản Việt hay NCB với kỳ vọng đối tác chiến lược nước ngoài sẽ có thể đóng góp về nguồn lực, tài chính, kinh nghiệm và công nghệ cho ngân hàng. Tuy nhiên, việc tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài ở thời điểm hiện tại không hề đơn giản.
Kỳ vọng nhà đầu tư ngoại – không dễ!
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng: Việc tăng vốn của các ngân hàng là nhu cầu tất yếu nhằm đáp ứng quy định Basel II. Khoảng 10 năm qua, tăng trưởng tín dụng tương đối cao, khoảng 14%/năm, trong khi đó vốn chủ sở hữu tăng từ 9 – 10% nên ngân hàng có nhu cầu tăng vốn là hợp lý. Bên cạnh đó, ngân hàng nhiều vốn chủ sở hữu mới có khả năng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết: Khi các ngân hàng muốn tăng tài sản có rủi ro, đòi hỏi cũng phải tăng vốn lên tương ứng. Mức CAR tối thiểu hiện nay là 8% thì chưa đạt yêu cầu để ngân hàng được xếp hạng A. Theo tiêu chuẩn chung của hệ thống Camels phải duy trì hệ số CAR là 10% cho vốn cấp 1 và vốn cấp 2 là trên 12%.
“Nếu ngân hàng tiến tới Basel III thì tỷ lệ an toàn vốn còn yêu cầu khắt khe hơn. Trong đó yêu cầu vốn cấp 1 của ngân hàng đều phải cao hơn, nên ngân hàng lúc nào cũng ở trong xu thế và yêu cầu bắt buộc tăng vốn mới có thể có cơ hội để được gia tăng tín dụng và tăng tổng tài sản”, ông Hưng cho hay.
Tăng vốn không chỉ tăng thêm bộ đệm cho hoạt động ngân hàng an toàn hơn mà còn mở ra cơ hội thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài cho các định chế tài chính. Tuy nhiên, để thu hút được nhà đầu tư ngoại không đơn giản. Trong năm 2019 và năm 2020, hệ thống ngân hàng chỉ ghi nhận 5 thương vụ bán vốn thành công cho nhà đầu tư ngoại là: OCB đã hoàn tất bán 15% cổ phần cho Aozora Bank (Nhật Bản); MB phát hành riêng lẻ hơn 64,3 triệu cổ phiếu cho 8 nhà đầu tư nước ngoài; HDBank chào bán trái phiếu chuyển đổi cho DEG (Đức); Vietcombank bán 3% cổ phiếu cho GIC và cổ đông hiện hữu Mizuho Bank Ltd và BIDV bán 15% cổ phần cho Keb Hana Bank. Năm 2021 chưa kể tới những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 mang lại thì nhiều ngân hàng quy mô nhỏ đã lên kế hoạch tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài nhiều năm nhưng vẫn không thể hoàn thành như NCB, Bản Việt, SCB…
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng cho rằng: Các nhà đầu tư ngoại lựa chọn đối tác dựa trên những tiêu chí rất cụ thể và rõ ràng như chỉ số PE, PB, ROE, ROA hay đòn bảy tín dụng. “Chỉ những ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt, tỷ lệ an toàn vốn cao và thị giá hấp dẫn mới có thể thu hút được nhà đầu tư ngoại. Ngược lại nhà băng nào thông tin tài chính thiếu minh bạch, thị giá quá cao so với giá trị sổ sách, kết quả kinh doanh thì rất khó tìm được tiếng nói chung”, ông Hiếu nói.
Ngoài ra, ở thời điểm hiện tại, theo ông Hiếu, việc thu hút nhà đầu tư ngoại trở nên khó khăn hơn, trước tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm tỷ trọng tại các thị trường mới nổi, thị trường đang phát triển để tìm về các kênh đầu tư truyền thống trong nước và các thị trường phát triển.