Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất Ethylene Oxide.
Ngày 20/8, trên trang web của Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền, trong đó có 2 sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam thương hiệu mỳ ăn liền Good và Hảo Hảo.
Theo FSAI, một số lô sản phẩm mì ăn liền đang bị thu hồi do có chứa ethylene oxide. Chất này không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở EU. Người tiêu dùng ăn phải chất này không có nguy hiểm cấp tính nhưng có thể gặp vấn đề sức khoẻ nếu ăn phải ethylene oxide trong một thời gian dài. Cơ quan này cảnh báo cần hạn chế tối đa tiếp xúc với chất này.
Thông báo thu hồi sản phẩm mỳ ăn liền sẽ được dán tại các cửa hàng phân phối các lô liên quan.
Thông tin cụ thể về lô hàng có nguồn gốc từ Việt Nam bị thu hồi gồm mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77g, hạn sử dụng đến 24/9/2022), miến Good vị sườn heo (loại 56 g, hạn sử dụng đến 10/11/2022), Hai thương hiệu này do công ty Acecook Việt Nam sản xuất.
Trên trang web của Acecook Việt Nam (acecookvietnam.vn), mì Hảo Hảo được giới thiệu là sản phẩm được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, công nghệ Nhật Bản, với sự điều hành, hỗ trợ và giám sát liên tục, tỉ mỉ của chính nguồn nhân lực Nhật Bản cùng đội ngũ nhân sự người Việt được đào tạo bài bản tại Acecook chính là “bảo chứng” cho chất lượng của mỗi gói mì Hảo Hảo trước khi được tung ra thị trường.
Đây cũng chính là tôn chỉ giúp thương hiệu mì Hảo Hảo luôn là sự lựa chọn an toàn, chất lượng và phù hợp với người tiêu dùng Việt ngay từ khi mới “ra mắt” thị trường vào năm 2000.
Thành phần vắt mì: Bột mì, dầu shortening, tinh bột khoai mì, muối, dịch chiết xuất từ cá, pentasodium triphosphate (E451i), chất ổn định (E500i, E501i), màu tự nhiên: nghệ (E100), chất tạo ngọt tổng hợp (E950), chất chống oxi hóa (E320, E321). Súp: Dầu tinh luyện, muối, đường, bột ngọt (E621), bột tôm, gia vị (tiêu, ớt, tỏi, rau thơm), hành lá sấy, acid citric (E330), Disodium 5′ – inosinate Disodium 5′ – guanilate
Liên quan tới mì tôm, theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA) nhu cầu mì ăn liền của Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới với lượng tiêu thụ năm 2020 tăng 29,47% so với năm 2019.
Nhu cầu tiêu thụ mì ăn liền toàn cầu tăng với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã dẫn đến các biện pháp đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội của các nước trên thế giới. Phần lớn người tiêu dùng chuyển sang các bữa ăn tự nấu và dự trữ thực phẩm khô trong thời gian dài.
Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới thống kê, nhu cầu về mì ăn liền toàn cầu năm 2019 tăng 3,45% so với năm trước đó nhưng năm 2020 đã tăng 14,79% so với năm 2019 do nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng tăng mạnh dưới tác động của dịch Covid-19.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường Facts and Factors, doanh thu của mặt hàng mì ăn liền dự kiến sẽ tăng từ 45,67 tỷ USD trong năm 2020 lên 73,55 tỷ USD vào năm 2026, tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm sẽ đạt 6%/năm trong giai đoạn 2021-2026. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển kinh doanh mì ăn liền khá cao. Thị trường mì toàn cầu có thể được chia theo chủng loại gồm: mì thịt gà, rau, hải sản và các loại khác.