Trang chủ Thị trườngCoin - Tiền điện tử Hệ sinh thái Binance Smart Chain (BSC) – Dấu hiệu bão hòa & Cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn

Hệ sinh thái Binance Smart Chain (BSC) – Dấu hiệu bão hòa & Cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn

bởi Linh

Binance Smart Chain là một trong những hệ sinh thái thu hút dòng tiền nhất trong thời gian vừa qua, đồng thời là hệ sinh thái có rất nhiều tính năng và sản phẩm nổi bật.

Vậy trong bài viết hôm nay, mình sẽ giúp anh em tìm hiểu tường tận nhất về hệ sinh thái Binance Smart Chain và những đặc điểm gì khiến BSC thành công chinh phục người dùng với thế giới DeFi của họ.

Tổng quan về Blockchain BSC

Định nghĩa Binance Smart Chain (BSC)

Binance Smart Chain là blockchain được xây dựng bởi “ông lớn” Binance trên cơ chế EVM của Ethereum. Binance Smart Chain (BEP20) và Binance Chain (BEP2) là hai blockchain hoạt động độc lập với nhau, anh em thường xuyên nhầm lẫn ở điểm này.

Mặc dù không có cơ sở hạ tầng nổi bật so với các blockchain khác trên thị trường như Solana nhưng chính việc tương thích với EVM giúp các dự án được xây dựng trên Ethereum rất dễ dàng chuyển sang Binance Smart Chain.

Binance Smart Chain có native token là BNB – cũng là token đại diện cho sàn giao dịch Binance. Chính điều này đã giúp BNB token có sức ảnh hưởng ra ngoài sàn Binance và ứng dụng rất nhiều trong không gian DeFi của BSC.

Token BNB (ngày 11/6/2021)

  • Marketcap: ~$61 tỷ (1 BNB = $367)
  • FDV: ~$61 tỷ
  • Rank: #4
  • Giá ATH: $690 (10/5/2021)
  • Giá ATL: $0.096 (1/8/2017)
  • Circulating: 168,137,036 BNB (100/100%)
  • Total Supply: 168,137,036 BNB
  • Sàn listing BNB: Binance, FTX, Gate, MXC, Kucoin,… (Thanh khoản tập trung ở Binance)

Blockchain Binance Smart Chain (BSC)

  • TPS: 100
  • Blocktime: 75s
  • Total Tx: 359 triệu
  • Avg. Tx fee: $0.5

Số lượng Dapp trên BSC

Số lượng Dapp được build trên hệ sinh thái BSC vẫn chưa được thống kê cụ thể vì mỗi ngày đều có các dự án mới được triển khai. Số lượng ước tính có thể lên đến 450 dự án. Trong đó:

  • DeFi (DEX – Liquidity): ~ 150 dự án.
  • NFT: ~ 80 dự án.
  • Lending: ~ 25 dự án.
  • IDO Platform: ~ 15 dự án.

Đối tác

BSC đang là hệ sinh thái có rất nhiều đối tác để tăng cường sức mạnh nền tảng của mình. Một số partner đáng chú ý (không bao gồm các dApp build trên BSC):

  • Bảo mật: CertiK, Quantstamp.
  • Oracle: ChainLink,…
  • Ví lưu trữ: Coin98 Wallet, Math Wallet, Trust Wallet,…

Backers/Investors

Binance Smart Chain là sản phẩm được cải tiến từ Binance Chain và được chính thức launch từ 9/2020. Backer lớn nhất của BSC chính là sàn giao dịch Binance, đây cũng là quỹ đầu tư đầy kinh nghiệm khi chính thức tham gia vào thị trường crypto vào năm 2017.

Điểm nổi bật của hệ sinh thái Binance Smart Chain

  • Là một trong những hệ sinh thái có DeFi TVL đứng top #2.
  • Được chống lưng bởi ông lớn Binance.
  • Dễ dàng thu hút dev vì là EVM blockchain.
  • Khả năng bắt trend và theo kịp thị trường rất nhanh.

Tình hình hiện tại và roadmap của BSC

Giai đoạn 4/2020 – 9/2020

Đây là giai đoạn đội ngũ Binance công bố whitepaper cho Binance Smart Chain và cải tiến BSC từ Binance Chain. Trong giai đoạn này họ đã ra mắt Testnet cùng với sự hợp tác từ ChainLink, Ankr, Band Protocol,….

Đến tháng 9/2020, BSC chính thức được trình làng cùng với ứng dụng của BNB token.

Giai đoạn 9/2020 – 3/2021

Trong giai đoạn này, dòng tiền ở DeFi chủ yếu nằm ở hệ Ethereum. DeFi ở Binance Smart Chain vẫn còn rất “trống”. Tuy nhiên BSC đã có rất nhiều chiến lược thông minh bao gồm chương trình Most Valuable Builder, Build Reward Program với tổng giải thưởng lên đến triệu đô để thu hút các nhà phát triển từ hệ BSC.

Cho đến tầm 2/2021, khi phí giao dịch trên Ethereum quá cao, hệ sinh thái Binance Smart Chain lại hình thành DeFi Stack rõ ràng, dòng tiền đã đổ về BSC rất lớn. TVL trong BSC DeFi đã tăng trưởng mạnh có lúc đến 40 tỷ đô.

Giai đoạn 3/2021 – 6/2021

Tháng 3/2021 là lúc DeFi ở hệ BSC phát triển rất mạnh mẽ, nổi bật nhất là PancakeSwap, xuất phát điểm là một AMM DEX, PancakeSwap đã trở thành trung tâm thanh khoản cho cả hệ BSC và còn mở rộng sang nhiều mảng khác.

Tới tháng 6/2021 thì DeFi ở BSC đã có phần bão hòa, đây cũng là lúc trend NFT đang chiếm sóng. Binance cũng đã công bố tầm cuối tháng 6/2021, Binance sẽ ra mắt NFT Marketplace. Đây là một trong những lý do lớn nhất khiến dòng tiền chưa rời hệ BSC.

Nhưng cuối cùng, sự ra mắt của Binance NFT Marketplace lại không tạo nên bất kỳ cơ hội hay trend cho nhà đầu tư. Hạn chế lớn nhất đó là chúng rất Centralized, điều này là rào cản lớn khiến Binance NFT Marketplace không tiếp cận được nhiều người sử dụng.

Giai đoạn 6/2021 – 9/2021

Sự “bình lặng” của hệ sinh thái BSC tiếp diễn cho đến cuối tháng 7, thì trend GameFi hay còn được gọi là Play to Earn ra đời, dẫn đầu bởi Axie Infinity ở hệ sinh thái Ethereum. Chỉ trong chưa đến 1 tuần, hệ sinh thái BSC đã chiếm sóng với GameFi trên thị trường.

GameFi là sự kết hợp hoàn hảo của trend NFT và DeFi. Điều này đã giúp hệ sinh thái sôi động trở lại. Tuy nhiên chúng chỉ sôi động trong vòng chưa đến 2 tuần và dần cũng bị lãng quên (phân tích chi tiết phía dưới).

Trend cuối cùng diễn ra vào cuối tháng 8, đó là trend Metaverse. Metaverse còn được “shill” không ít bởi CZ – người đứng sau Binance. Ngay lập tức các dự án trong mảng GameFi liền gán thêm “mác” Metaverse vào.

Tuy nhiên, chúng cũng không mang lại quá nhiều thay đổi tích cực cho hệ BSC. Tính đến nay là cuối tháng 9, hệ Binance Smart Chain vẫn còn chậm hơn rất nhiều so với kỳ vọng của cộng đồng BSC.

Toàn cảnh về hệ sinh thái BSC

Những cột mốc nổi bật kể từ khi Binance Smart Chain ra đời

xBinance Smart Chain chính thức tròn 1 tuổi vào tháng 9/2021.

Tính đến tháng 9/2021 thì Binance Smart Chain đã vừa tròn một năm tuổi. Hãy cùng mình điểm lại những sự kiện nổi bật mà Binance Smart Chain đã triển khai trong thời gian vừa rồi:

  • 7/9/2020: Giải thưởng 100 triệu đô chính thức được Launch.
  • 24/9/2020: Liên kết bảo mật với CertiK và Peckshield.
  • 15/10/2021: Ra mắt BUIDL Reward Program đợt I (giải thưởng 3.25 triệu đô).
  • 1/2/2021: Tăng trưởng 1,000% đạt 1 triệu Unique Active Address.
  • 8/2/2021: Ra mắt Most Valuable Builder I.
  • 23/4/2021: Ra mắt Most Valuable Builder II.
  • 22/6/2021: Ra mắt BSC Martians Program.
  • 26/7/2021: Cấp quỹ 10 triệu đô cho chương trình Priority ONE Bug Bounty.
  • 20/8/2021: Đạt mốc 90 triệu Unique Address (tăng trưởng 90 lần so với tháng 2).
Những sự kiện nổi bật nhất của hệ BSC trong 1 năm qua.

Dựa vào những sự kiện trên, anh em có thể thấy hệ BSC không ngừng thu hút developer với tham vọng sẽ vượt mặt Ethereum trong tương lai. Xét về khía cạnh Incentive, BSC cũng đang là hệ sinh thái có Incentive cao nhất cho developer với giải thưởng 100 triệu đô cùng nhiều quyền lợi khác.

Trong tương lai gần, Binance Smart Chain chắc chắn sẽ trụ vững ở hạng #2 và không dễ bị vượt mặt bởi những hệ sinh thái khác, bởi vì xét về mức độ đa dạng, vẫn chưa có hệ sinh thái nào đa dạng về dapp như BSC, cũng như có khả năng bắt Trend nhanh như BSC từ NFT, GameFi cho đến Metaverse.

Chương trình Most Valuable Builder

Để tiếp tục duy trì là hệ sinh thái có TVL đứng thứ 2 thị trường, không thể không nhắc đến sự đóng góp của chương trình Most Valuable Builder. Đây là chương trình đã khởi chạy từ khi BSC xây dựng hệ sinh thái DeFi.

Nhờ vào chương trình MVB mà BSC đã thu hút không ít các developer về xây dựng dự án, đa dạng hóa các dự án trên hệ sinh thái và thu hút lượng lớn người dùng từ Ethereum. Tính đến nay thì chương trình MVB đã đi đến mùa III, và mỗi mùa BSC sẽ tập trung đẩy mạnh một mảng khác nhau:

  • MVB I: Tập trung vào các dự án DeFi.
  • MVB II: Tập trung vào các dự án NFT.
  • MVB III: Tập trung vào GameFi + Metaverse.

Nếu như chiến thắng, reward dành cho các dự án sẽ rất hấp dẫn, trong đó bao gồm:

  • Gói tài trợ $10,000.
  • Hỗ trợ Audit toàn bộ nền tảng.
  • Cơ hội được Binance trực tiếp đầu tư.
  • Cơ hội listing trên Innovation Zone của sàn Binance.
  • Được tham gia hội thảo cùng các cố vấn và chuyên gia trong thị trường nhằm phát triển sản phẩm tốt hơn.
Roadmap của chương trình MVB III.

Các mảnh ghép trên hệ sinh thái BSC

Tổng quan về TVL của các mảnh ghép

Từ khoảng tháng 3/2021 cho đến nay, hệ sinh thái BSC đã phát triển rất mạnh mẽ và thu hút dòng tiền rất lớn về hệ của mình. DeFi TVL của hệ BSC đã tăng $50 tỷ đô chỉ trong hai tháng. 

Điều này chứng minh dòng tiền từ Ethereum đã chảy sang hệ BSC rất nhiều. Đồng thời là bước đệm thu hút nhiều nhà phát triển bắt đầu ra mắt sản phẩm trên BSC.

DeFi TVL của hệ BSC kể từ tháng 4/2021 đến tháng 9/2021.

Tuy nhiên, kể từ khi đạt đỉnh vào khoảng 10/5/2021, TVL của Binance Smart Chain đã có đợt sụt giảm, điều này có thể giải thích với 3 nguyên nhân:

  • Dự án ở hệ BSC đang bị bão hòa, không còn ra mắt tính năng mới (đề cập chi tiết hơn trong dự phóng).
  • Dự án ở hệ BSC đang gặp vấn đề về bảo mật (đề cập chi tiết hơn trong phần bảo mật).
  • Cú điều chỉnh mạnh của toàn bộ thị trường ngày 19/5/2021.

Chính vì những lý do trên, giá trị token, tổng giá trị TVL và hiệu suất hoạt động của các mảnh ghép trong hệ BSC cũng bị ảnh hưởng không ít.

Tới thời điểm hiện tại, thị trường đã có sự hồi phục nhẹ, các dự án chủ chốt vẫn hoạt động và cải tiến. Nhưng dường như hệ sinh thái Binance vẫn có sự “hụt hơi” trong cuộc đua DeFi ở Q3/2021 này.

Cụ thể hơn, đa số DeFi TVL của các hệ sinh thái DeFi đã phá ATH:

  • Ethereum vượt đỉnh cũ 103 tỷ đô, đạt 116 tỷ đô.
  • Solana vượt đỉnh cũ 1.5 tỷ đô, đạt 10.6 tỷ đô.
  • Terra vượt đỉnh cũ 4.5 tỷ đô, đạt 7 tỷ đô.

Tuy nhiên, Binance Smart Chain vẫn chưa thể vượt đỉnh cũ ở mốc khoảng 40 tỷ đô. Điều này cho thấy hệ BSC đang không thu hút dòng tiền từ thị trường. Đây là một điều vô cùng đáng tiếc đối với một mùa tăng trưởng mạnh đến thế.

Những hệ sinh thái mới liên tiếp ra mắt Incentive Program cho không gian DeFi.

Trong thời gian tới, cuộc chơi DeFi còn sẽ có nhiều Player hơn nữa và họ đang dành nguồn vốn rất lớn để mở rộng hệ sinh thái DeFi:

  • Fantom chi 370 triệu $FTM (chi tiết tại đây).
  • Avalanche chi 180 triệu đô (chi tiết tại đây).
  • Celo chi 100 triệu đô.
  • Ngoài ra còn có Algorand, Polygon, Harmony, Terra,…

Nếu như không có kế hoạch để thu hút dòng tiền trở lại, Binance Smart Chain rất dễ bị tấn công từ các hệ sinh thái khác. Tệ hơn, nếu như không thể thu hút người dùng ở lại, người dùng sang hệ sinh thái khác cũng sẽ kéo theo sự ra đi của developer,…

Infrastructure + Tooling

Để hệ sinh thái BSC là nền tảng vững chắc cho nhiều dApp khác có thể build-on, BSC đã tích hợp rất nhiều dự án thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Trong đây sẽ bao gồm các dự án nổi bật như:

  • Oracle: ChainLink, Band Protocol,…
  • Audit: CertiK, Quanstamp, Bison Trails, Peckshield…
  • Graph/Query: The Graph, Bitquery,…
  • Bridge: BCS Bridge, Anyswap, My Wish, Celer…
  • DeFi Tools: DeFi Station, BSCProject, DeBank, DappRadar, Dapp.com,…
  • Blockchain Monitoring: PARSIQ, Tenderly, BSC Scan,…
  • Smart Contract & API Creator: MyWish, ChainIDE, NowNodes,…

Có thể nói BSC là một trong những hệ có các dự án cơ sở hạ tầng rất vững chắc và được củng cố thêm nhiều chức năng nổi bật do các bên thứ 3 phát triển. 

Các developer chỉ cần chuyên tâm phát triển dự án,Oracle cung cấp giá, Audit kiểm tra bảo mật, Bridge giúp chuyển tài sản,… tất cả đều đã được đối tác của hệ BSC cung cấp.

Các dự án hoạt động trong mảng Infrastructure và Tooling trong hệ BSC. Nguồn: Coin98 Analytics

Stablecoins

Stablecoin là loại tiền điện tử được thiết kế với mục đích giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của sự biến động giá (volatility). Các stablecoin trên hệ sinh thái BSC bao gồm: 

  • BUSD: Là một Fiat-backed stablecoin được tạo ra bởi sự hợp tác của Binance và Paxos. Mặc dù mới chỉ được launch vào năm 2019, BUSD đã có vốn hóa lên đến 12 tỷ đô (Rank #13). Điều này cho thấy Binance rất biết cách ứng dụng BUSD vào hệ sinh thái và tăng nhu cầu sử dụng của BUSD đối với người dùng DeFi.
  • VAI: Đây là Crypto-backed stablecoin được tạo ra bởi nền tảng Lending Venus, có cách hoạt động tương tự MakerDAO (MKR & DAI).
  • Ngoài ra còn có các dự án Algorithmic Stablecoin, nhưng chúng không phổ biến và chưa có sức ảnh hưởng lớn đến toàn bộ không gian DeFi của hệ BSC.
Các dự án hoạt động trong mảng Stablecoin. Nguồn: Coin98 Analytics

AMM DEX Liquidity

AMM DEX là các sàn giao dịch phi tập trung theo giao thức tạo lập thị trường tự động, tức là với cơ chế này, chúng ta sẽ không có người bán mà thay vào đó, smart contract sẽ đóng vai trò là trung gian, người bán bỏ tài sản vào một nơi gọi là liquidity pool, sau đó người mua sẽ swap tài sản họ đang có với tài sản trong pool thông qua smart contract.

Các AMM DEX nổi bật trên BSC bao gồm:

  • Pancakeswap: Kể từ khi ra mắt cho đến nay, Pancakeswap đã hoạt động rất tốt khi trở thành một Uniswap thực sự dành cho hệ BSC. Đã có nhiều lúc volume giao dịch của Pancakeswap đứng đầu trong các DEX trên thị trường.
  • AMM DEX nổi bật khác: BakerySwap (chuyên NFT), DODO, 1Inch Exchange, MDEX,…
  • Stablecoin AMM DEX: Ellipsis Finance, Belt Finance, Nerve Finance,…

Anh em có thể xem tổng quát về toàn bộ AMM DEX Liquidity qua Infographic dưới đây.

Các dự án hoạt động trong mảng DeFi trong hệ BSC. Nguồn: Coin98 Analytics

Lending Borrowing

Lending là một trong những lĩnh vực chủ chốt khác giúp tăng hiệu quả sử dụng vốn trong một hệ sinh thái. Lĩnh vực này đã chứng minh được nhu cầu của mình thông qua dự án Aave, MakerDAO ở hệ Ethereum. 

  • Venus (XVS & VAI) là dự án nổi bật nhất hệ BSC với TVL đứng #2 chỉ sau PancakeSwap và có phương thức hoạt động tương tự như MakerDAO.
  • Ngoài ra cũng có những dự án khác được Binance chú ý như: Alpha Finance, Cream Finance, EasyFi, ForTube,…
Các dự án hoạt động trong mảng Lending trong hệ BSC. Nguồn: Coin98 Analytics

Launchpad

Launchpad là một trong những lĩnh vực trọng tâm giúp thu hút dòng tiền và người dùng từ những hệ sinh thái khác, vì đây là một trong những phương thức mang lại lợi nhuận nhanh nhất với rủi ro thấp nếu như anh em tìm được dự án tốt.

Trong uptrend vừa rồi, anh em đã thấy các dự án Launching platform đã hoạt động rất sôi nổi. Chỉ trong trong vòng 3 tháng, hệ BSC đã có cho mình hơn 25 dự án, nhiều hơn bất kì hệ sinh thái nào bao gồm cả Ethereum.

Trong đó còn có:

  • Dự án từ lĩnh vực khác sang: PancakeSwap, ApeSwap, DODO,…
  • Dự án từ hệ khác sang: Polkastarter, DAO Maker,…
Tổng quan các dự án Launchpad trên thị trường. Nguồn: Coin98 Analytics

Yield Aggregator

Yield Aggregator là một trong những lĩnh vực được người dùng quan tâm rất nhiều vì chúng có thể tối ưu hóa lợi nhuận bằng nhiều phương thức khác nhau. Sự xuất hiện của Yield Aggregator cũng là dấu hiệu cho thấy những ứng dụng thuộc Protocol Layer đã phát triển rất vững vàng, đặc biệt là những dự án AMM Liquidity.

Dưới đây là một số dự án nổi bật như Pancake Bunny, Autofarm,… Trong đó, Beefy Finance là dự án đã launching trên 5 hệ sinh thái khác nhau, và là một trong những Platform có Vault Farming đa dạng nhất.

Các dự án hoạt động trong mảng Yield Aggregator trong hệ BSC. Nguồn: Coin98 Analytics

NFT

Trong khoảng thời gian cuối tháng 5/2021 cho đến nay, hệ BSC đang tập trung nguồn lực cho các dự án NFT rất nhiều, đây chính là bước chuẩn bị cho NFT Marketplace của Binance trong tháng 6 này.

Có thể nói, BSC là một trong những hệ đã lấp đầy NFT stack, trong đó có Infrastructure, Gaming, Collectible, NFT marketplace,… Tuy nhiên mình sẽ tóm gọn chúng lại thành hai mảng.

  • NFT Issuer: Nền tảng tạo ra những sản phẩm NFT. Ví dụ: BakerySwap, Bondly Finance,…
  • NFT Marketplace: Nền tảng giao dịch NFT (kết hợp DeFi). Ví dụ: Bounce Finance, Treasureland,…

Tuy nhiên trend NFT lại không nhận được nhiều sự chú ý của cộng đồng. Cho đến cuối tháng 7/2021 thì mảng Game trong BSC đã ứng dụng được NFT và kết hợp chúng với DeFi để tạo ra trend mới, mang tên GameFi hay còn gọi là Play to Earn.

GameFi

GameFi đã giúp hệ BSC sôi động trong một thời gian ngắn, nổi bật là một số tựa game như CryptoBlade, MyDefiPet, Mobox, X World Game, Faraland,…. đa số đều có mức tăng trưởng trên 1,000% trở lên. 

Tuy nhiên, GameFi lại nhanh chóng bị lãng quên vì vốn dĩ ai chơi GameFi đều muốn Earn được từ Game, nhưng trong khoảng thời gian đó, DeFi TVL của hệ BSC lại không hề tăng trưởng, điều này cho thấy không hề có dòng tiền mới vào, thế là GameFi là lại lắng chìm mặc dù chúng được hỗ trợ rất nhiều từ Binance Smart Chain.

Metaverse

Trend cuối cùng được ra đời chính là Metaverse, đây là trend nhận được sự ủng hộ rất lớn từ CZ – ông trùm đứng sau Binance. Các dự án GameFi và NFT đã nhanh chóng gắn thêm mác “Metaverse” vào dự án của mình.

Tuy nhiên để đạt được tới công nghệ Metaverse, cần sự kết hợp từ rất nhiều mảng từ phần cứng đến phần mềm và chắc chắn là hiện tại chưa có project nào đạt đến trình độ Metaverse. Cao cấp nhất vẫn chỉ dừng lại ở công nghệ VR & AR để tạo ra không gian ảo của riêng dự án đó.

Lĩnh vực Metaverse chắc chắn sẽ còn rất nhiều tiềm năng nhưng để thực hiện được điều đó, các dự án cần nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa.

Các dự án hoạt động trong mảng GameFi + NFT trong hệ BSC. Nguồn: Coin98 Analytics

Vấn đề an toàn bảo mật của hệ sinh thái Binance Smart Chain

Những vụ hack nổi bật

Song song với việc thu hút lượng lớn người dùng và developer, Binance Smart Chain cũng thu hút sự chú ý của các Hacker. Kể từ tháng 4/2021 cho đến nay, hệ sinh thái BSC đã trải qua tổng cộng gần 20 vụ hack với tổng thiệt hại lên đến 437 triệu đô. 

Những vụ hack nổi bật nhất trong hệ BSC kể từ đầu năm 2021.

Đa số các trường hợp bị hack đều do hai nguyên nhân là Flashloan và Exploit Smart Contract của dự án. Điều này đã gây ra mối lo ngại rất lớn đến cộng đồng người dùng tham gia DeFi ở hệ Binance Smart Chain.

Nỗ lực giải quyết từ BSC

Chính vì thế, Binance Smart Chain đã liên tiếp tăng cường bảo mật bằng cách hợp tác với nhiều đơn vị Audit như CertiK

Ngoài ra Binance đã ra mắt chương trình “Priority ONE”, cho phép whitehat hacker có thể tìm ra lỗ hổng và chia phần thưởng lên đến 10 triệu đô. Hiện tại Binance đang hỗ trợ tìm lỗi trên 30 dApps trước và sẽ mở rộng sang 100 dApps trong thời gian sắp tới.

Chương trình PRIORITY ONE của Binance Smart Chain dành cho các White-hat hacker.

Nếu nhìn khách quan hơn, đa số người dùng đều không bị mất vốn vì dự án đều có kế hoạch phòng trừ trường hợp rủi ro. Tuy nhiên, đa số các token đại diện cho dự án đều có mức giảm giá rất nặng nề. 

Pancake Bunny (BUNNY) đã giảm hơn 20 lần giá trị ban đầu ($230 ⇒ $11) sau vụ hack.

Mình có một số lời khuyên dưới đây nhằm giảm thiểu rủi ro khi tham gia DeFi:

  • Tạo nhiều ví để lưu trữ vốn, chuyển tài sản qua ví mới định kỳ.
  • Phân bổ vốn Farming trên nhiều nền tảng khác nhau.
  • Kiểm tra độ uy tín của dự án thông qua nhiều kênh đánh giá.

Tham khảo: Cách Farming và chơi DeFi an toàn, tránh bị hack ví

Dự phóng tương lai về hệ Binance Smart Chain

DeFi

Về mặt DeFi, hệ Binance Smart Chain đã vận hành rất hiệu quả khi các dự án đều có người dùng và TVL cao. Tuy nhiên, các dự án có vẻ đã tăng trưởng “max room” và đang có dấu hiệu bão hòa. Chính vì thế, tốc độ tăng trưởng về TVL và cả lượng người dùng mới không còn nhiều như hồi tháng 3/2021. 

Đây là giai đoạn người dùng trong hệ BSC sẽ đào thải những dự án hoạt động không hiệu quả và chờ những nhân tố mới của cuộc chơi.

NFT + GameFi + Metaverse

NFT + GameFi + Metaverse là bộ ba rất được Binance Smart Chain chú trọng trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên để có thể phát triển một cách hoàn hảo, chúng cần sự đầu tư hơn nữa tự phía Binance Smart Chain.

Điều đáng mừng là trong khoảng tháng 7 – 8/2021, sau khi BSC công bố sẽ hỗ trợ các dự án GameFi, chúng đã nhận được sự chú ý từ cộng đồng khá nhiều, 

GameFi là phân khúc có số lượng địa chỉ ví tăng trưởng mạnh nhất.

Phía trên là biểu đồ thống kê các địa chỉ ví hoạt động theo từng phân mục, anh em có thể thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của các mảng màu hồng, đại diện cho số lượng ví tham gia vào các nền tảng Gaming trong hệ sinh thái BSC.

Tính 2 chiều của các nền tảng GameFi so với tính 1 chiều của NFT.

Tính tới thời điểm hiện tại thì Gaming đang có những dấu ấn nổi bật hơn mảng NFT. Có lẽ vì lý do này mà Binance cũng tập trung dồn lực vào các dự án GameFi hơn. bởi vì nó có sự tương tác hai chiều giữa cộng đồng với cộng đồng, cộng đồng với nền tảng thay vì chỉ 1 chiều như mảng NFT.

Tương lai

Thực tế, mình không thể nhận định về tương lai xa vì thị trường crypto biến đổi quá nhanh. Tuy nhiên, mình vẫn đặt niềm tin rất lớn vào tầm nhìn của đội ngũ BSC vì họ có khả năng bắt trend rất nhanh và vận hành chúng rất tốt. Anh em có thể xem những sự kiện dưới đây:

  • 2017 Trend ICO ⇒ Binance đã chuyển chúng thành IEO vào năm 2019 và vẫn còn duy trì tốt tới thời điểm hiện tại.
  • 7/2020 DeFi ở Ethereum ⇒ Binance đã ra mắt BSC vào tháng 9/2020 và bắt kịp quy mô DeFi của Ethereum chỉ trong khoảng 5 tháng.
  • 2021 trend NFT, GameFi, Metaverse ⇒ Binance đều bắt kịp rất nhanh chỉ trong vòng 1 tuần.

Chính vì thế, mình sẽ không cố gắng đoán trước họ sẽ làm gì, thay vào đó mình sẽ cố gắng tham gia thị trường với kiến thức vững chắc cho mỗi trend.

Cơ hội đầu tư vào hệ sinh thái Binance Smart Chain

Đầu tư vào token

Các token thuộc hệ sinh thái Binance Smart Chain. Nguồn: CoinMarketCap

Theo CoinMarketCap thống kê, số lượng token thuộc hệ BSC rất lớn, có thể lên đến 200 token và chia thành những lĩnh vực khác nhau. Hiện tại điểm vào đã không còn tốt như đầu năm 2021.

Tuy nhiên nếu anh em là investor dài hạn, đây là mức giá đã thấp hơn rất nhiều so với trước lúc thị trường sập ngày 19/5/2021. Điều này đồng nghĩa vị thế vào thời điểm hiện tại đã tốt hơn rất nhiều so với đầu tháng 5/2021.

Theo góc nhìn cá nhân, anh em nên đầu tư vào những token thuộc dự án đứng đầu của những lĩnh vực chủ chốt vì đây sẽ là những dự án có tiềm lực nhất để triển khai sản phẩm mới cũng như được chú ý đầu tiên khi thị trường sôi động trở lại.

  • AMM Liquidity: PancakeSwap (CAKE), 1Inch Exchange (1INCH),…
  • Lending: Venus (XVS), Alpha Finance (ALPHA),…
  • NFT: BakerySwap (BAKE), Dego Finance (DEGO),…

Tham gia các dự án IDO

Tham gia mở bán IDO

Tham gia IDO là một trong những phương thức giúp kiếm được lợi nhuận với mức rủi ro thấp nếu như anh em tìm được dự án tốt. Dưới đây là ROI của các dự án được launch trên PancakeSwap. 

Các dự án đều có mức tăng trưởng khá tốt và mang lại ROI dương cho dù trải qua đợt sập ngày 19/5/2021 vừa qua. Một số IDO Platform nổi bật trong hệ BSC: PancakeSwap, Polkastarter, KickPad,…

ATH ROI của các project được mở bán trên Pancakeswap. Nguồn: Coin98 Analytics

Mua hold đồng coin của nền tảng IDO

Trong thời điểm uptrend, mua token thuộc các nền tảng IDO là một trong những quyết định sáng suốt. Đa số các token thuộc launchpad tốt đều lên giá vì:

  • Nhu cầu mua token để tham gia IDO tăng.
  • Yêu cầu số lượng token để tham gia IDO thường tăng.

Chính vì thế khi nắm giữ token thuộc các nền tảng IDO, anh em không chỉ có lãi mà còn được quyền lợi tham gia mở bán với xác suất tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, khi thị trường đang không rõ xu hướng như thời điểm hiện tại, IDO token không phải là lựa chọn sáng suốt. Vì đa số các dự án thường sẽ không mở bán khi thị trường không hưng phấn.

Các project thuộc mảng Launchpad trong thị trường crypto. Nguồn: Coin98 Analytics

Tham gia Farming, Staking, Lending

Đa số các token thuộc hệ sinh thái của BSC đều có thể được FarmStake hay Lend để gia tăng tài sản. Cơ chế của chúng khá giống nhau, anh em cần biết cách sử dụng ví non-custodial để deposit tài sản của mình vào các Vault hoặc Pool của dự án.

Dưới đây là một nền tảng phổ biến:

  • Lending: Venus, Cream Finance, ForTube, Alpha Finance,…
  • Farming: PancakeSwap, BakerySwap,…
  • Yield Aggregator: Beefy Finance, AutoFarm, Value DeFi, Acryptos,…

Đây là phương thức chủ yếu dành cho những anh em hold lâu dài, anh em vui lòng xem thêm chi tiết ở bài viết dưới đây. Bài viết sẽ phân chia cụ thể hơn và dẫn tới những bài viết hướng dẫn để anh em dễ dàng thao tác.

Đọc thêm: 7 phương thức tối ưu lợi nhuận dành cho Crypto Holder

Kết luận

Mình sẽ tổng kết lại một số ý chính về hệ sinh thái Binance Smart Chain qua các outline dưới đây:

  • Binance Smart Chain là hệ sinh thái có sản phẩm đa dạng và trải đều DeFi Stack ⇒ Thu hút nhiều user và dev đến với BSC.
  • Lĩnh vực DeFi đang có dấu hiệu bão hòa và chưa có những sản phẩm đột phá ⇒ TVL tăng trưởng chậm lại.
  • Người dùng không có dấu hiệu rời hệ BSC, họ đang chờ “trend” NFT từ ông lớn Binance ⇒ NFT có thể tạo nên sóng tăng trưởng ngắn.
  • Đầu tư với tầm nhìn dài hạn vào token thuộc hệ BSC ⇒ Chọn những dự án nổi bật nhất trong những ngành trọng tâm và tham gia vào các phương thức tối ưu tài sản.

Disclaimer: Tất cả thông tin trong bài viết này chỉ nhằm mục đích thông tin và KHÔNG được coi là lời khuyên đầu tư. Đầu tư vào tiền điện tử chứa đựng rủi ro cực kỳ cao và bạn chỉ nên đầu tư số tiền mà bạn sẵn sàng mất.

Nguồn: coin98.net

Có thể bạn quan tâm