Bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hàng loạt startup Việt vẫn gọi vốn thành công với giá trị lên đến mức trăm triệu USD sau 9 tháng đầu năm qua.
Điểm mặt 10 thương vụ nổi bật nhất, bao gồm:
1. Tiki: 258 triệu USD
Tiki vừa hoàn tất đợt gọi vốn vòng Series E với giá trị lên đến 258 triệu USD, được dẫn dắt bởi loạt tên tuổi lớn trong giới đầu tư tài chính khu vực. Đây cũng là deal gọi vốn lớn nhất Việt Nam tính từ đầu năm 2021 và là một trong những deal gọi vốn lớn nhất được công bố từ trước tới nay.
Đồng thời, Series E là vòng gọi vốn thứ 5 trong suốt một thập kỉ hoạt động,đưa giá trị Tiki ngấp nghé ngưỡng unicorn (kỳ lân) ngay trước thềm chuẩn bị cho kế hoạch IPO.
Hiện, Tiki đang xúc tiến việc niêm yết tại nước ngoài. Tiki đã trình hồ sơ thông báo tập trung kinh tế lên Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng. Việc lên sàn chứng khoán ngoại được thống nhất và khích lệ bởi toàn tập thể Công ty, bởi thông qua đó Tiki sẽ dễ dàng gọi vốn, hỗ trợ cho sự phát triển bứt phá hơn trong tương lai.
Thành lập vào năm 2010 từ một nhà sách trực tuyến, tới nay Tiki được biết đến là một nền tảng TMĐT và chuỗi cung ứng hàng đầu Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với các ông lớn TMĐT nước ngoài. Tiki hiện đang phục vụ khoảng 20 triệu khách hàng, sở hữu 20 nhà kho và trung tâm vận hành trên khắp cả nước, với nhiều sản phẩm và dịch vụ nổi trội như TikiNGON, TikiNOW, TikiPRO… Tiki cũng cam kết sẽ dành toàn bộ nguồn vốn mới để phát triển thị trường Việt Nam thông qua đầu tư vào chuỗi cung ứng và các công nghệ “Make in Việt Nam” để đáp ứng nhiều hơn các nhu cầu của người Việt.
“Tôi luôn tin tưởng vào tiềm năng của thị trường Việt Nam và tin rằng các startup sẽ sớm vươn ra thị trường quốc tế. Hứa hẹn trong vòng 5 năm tới, Việt Nam sẽ là đất nước của những kỳ lân. Tiki mong muốn góp sức vào hành trình chinh phục mục tiêu của các startup Việt”, ông Trần Ngọc Thái Sơn – CEO Tiki chia sẻ.
2. VNLife: 250 triệu USD
Cũng thu hút được số vốn khủng trên 200 triệu USD, cuối tháng 7 vừa qua, VNLife – công ty sở hữu dịch vụ thanh toán VNPay – thông báo huy động thành công hơn 250 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B, dẫn đầu là các nhà đầu tư Mỹ gồm General Atlantic và Dragoneer Investment Group. Ngoài ra, tham gia rót vốn còn có PayPal Ventures và EDBI, cùng với các nhà đầu tư hiện tại GIC và SoftBank Vision Fund 1.
Với vòng gọi vốn này, VNLife cũng củng cố thêm vị thế là kỳ lân công nghệ thứ hai của quốc gia. Trước đó, vào năm 2019, một số nguồn tin cho biết VNLife nhận được khoản đầu tư 300 triệu USD từ GIC và SoftBank Vision Fund 1. Tuy nhiên, Công ty đã không công bố thông tin chính thức về vòng gọi vốn này.
Được biết, VNLife ra đời năm 2007, do ông Trần Trí Mạnh và ông Mai Thanh Bình đồng sáng lập. Hiện, VNLife đang cung cấp hơn 30 dịch vụ bao gồm Thanh toán hóa đơn, Nạp tiền điện thoại, Du lịch trực tuyến (OTA), Thanh toán mã QR,… cho hơn 40 ngân hàng tại Việt Nam, 12 ngân hàng tại Campuchia, 7 đối tác ví điện tử và hơn 150.000 điểm chấp nhận thanh toán.
3. KiotViet: 45 triệu USD
Và đầu tháng 9, KiotViet và KKR, một công ty đầu tư toàn cầu, đã công bố việc ký kết các thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo đó, KKR sẽ tham gia với tư cách là nhà đầu tư chính trong Series B với trị giá đầu tư 45 triệu USD. Vòng huy động vốn của KiotViet còn có sự tham gia của ngân hàng lớn thứ 2 tại Thái Lan – Kasikornbank (KBank) cũng như quỹ đã đầu tư vào nền tảng này từ năm 2019 là Jungle Ventures.
Được biết, KiotViet là một nền tảng thương mại dành cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam. Công ty ra đời năm 2014 và là công ty con thuộc công ty phần mềm Citigo. Trong đó, Công ty này đang cung cấp bộ giải pháp phần mềm, bao gồm các công cụ quản lý điểm bán hàng, quản lý tồn kho và quản lý nhân viên cho hơn 110.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Hiện, KiotViet đã và đang xây dựng các công cụ để theo dõi các giao dịch, hàng tồn kho và hoạt động thanh toán cho các cửa hàng nhỏ. Nền tảng này cũng cung cấp nguồn nhân lực và các tính năng quản lý tiền lương.
4. Kobiton: 12 triệu USD
Cũng trong tháng 9, Kobiton – giải pháp kiểm thử phần mềm trên thiết bị di động của Việt Nam – công bố huy động được 12 triệu USD từ các nhà đầu tư Mỹ. Các nhà đầu tư tham gia đợt rót vốn này gồm có quỹ Panoramic Ventures và Fulcrum Equity Partners, cùng một khoản vay từ Ngân hàng Silicon Valley.
Được biết, Kobiton là startup phần mềm được sáng lập năm 2016 từ đội ngũ lãnh đạo và kỹ sư người Việt thuộc KMS Technology.
Công ty đang có hơn 120 nhân viên tại Việt Nam và Atlanta (Mỹ), chuyên phát triển giải pháp kiểm thử phần mềm trên thiết bị di động cung cấp đầy đủ điều kiện cần thiết để doanh nghiệp có thể phát hành ứng dụng di động ra thị trường nhanh chóng.
Tính đến đầu năm 2021, Kobiton đã đạt mốc hơn 50.000 người dùng trên toàn cầu. Nhờ vào việc ứng dụng công nghệ AI và việc sáp nhập gần đây cùng Mobile Labs, Kobiton đã đạt mức tăng trưởng 250% so với cùng kỳ năm trước.
5. Loship: 12 triệu USD
Trước đó vào đầu tháng 8, Loship – startup giao đồ ăn và thương mại điện tử tại Việt Nam – công bố gọi vốn thành công 12 triệu USD ở vòng Pre-Series C do BAce Capital (quỹ đầu tư mạo hiểm do Ant Group hậu thuẫn) và Sun Hung Kai & Co. Limited (tập đoàn bất động sản Hong Kong, Trung Quốc) đồng dẫn dắt. Vòng gọi vốn còn có sự tham gia của các quỹ đầu tư quốc tế và nhà đầu tư cá nhân khác.
Loship khởi nguồn từ Lozi, ứng dụng giúp người dùng tìm kiếm những địa điểm, nhà hàng ăn uống. Năm 2017, Lozi chuyển đổi mô hình thành startup giao đồ ăn và thương mại điện tử giao hàng trong một giờ Loship.
Đại diện Loship còn cho biết công ty đang trong quá trình đàm phán với nhiều nhà đầu tư mới cho vòng vốn Series C, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
6. Rever: 10,2 triệu USD
Huy động 2 chữ số còn có startup công nghệ bất động sản Rever. Trong tháng 8, Mekong Capital thông báo quỹ Mekong Enterprise Fund IV (“MEF IV”) đã hoàn tất khoản đầu tư 10,2 triệu USD vào công ty này.
Rever được thành lập vào năm 2016 bởi 2 đồng sáng lập Phan Lê Mạnh và Võ Thắng Lợi. Đáng chú ý, CEO Phan Lê Mạnh và CTO Võ Thắng Lợi là đồng đội lâu năm khi cả hai cùng làm việc cho Zalo, nền tảng trực thuộc VNG.
Hiện, Rever vận hành theo mô hình Online-to-Offline, ứng dụng nền tảng công nghệ, kết hợp cùng đội ngũ môi giới để phục vụ mọi khách hàng có nhu cầu về bất động sản. Theo Rever, điểm khác biệt của startup này là việc ứng dụng công nghệ để xác thực danh mục bất động sản, đảm bảo những thông tin khách hàng nhìn thấy trực tuyến đã được xác thực. Từ đó, quá trình giao dịch bất động sản trở nên minh bạch hơn cho người mua và người bán.
7. BuyMed: 9 triệu USD
Một startup B2B về phân phối dược phẩm trực tuyến – BuyMed, đang điều hành Thuocsi.vn – cũng vừa thông báo nhận được khoản đầu tư trị giá 9 triệu USD trong vòng Series A. Dẫn đầu vòng gọi vốn này là quỹ đầu tư mạo hiểm của Hàn Quốc Smilegate Investment với sự tham gia của B Capital Group và các nhà đầu tư hiện tại Cocoon Capital, Genesia Ventures, chương trình Surge của Sequoia Capital Ấn Độ và Nextrans.
Như vậy, tính đến nay, BuyMed đã huy động thành công tổng cộng 12,8 triệu USD. Trước đó, trong vòng tiền Series A công bố năm ngoái, startup này nhận được khoản đầu tư trị giá 2,5 triệu USD.
Theo kế hoạch công bố, nguồn vốn mới sẽ được BuyMed sử dụng để phát triển mạng lưới phân phối của công ty ở cả Việt Nam và các khu vực khác của Đông Nam Á.
8. Kamereo: 4,6 triệu USD
Kamereo – công ty khởi nghiệp công nghệ thực phẩm có trụ sở tại Tp.HCM – cũng gọi vốn thành công 4,6 triệu USD trong vòng Series A.
Được biết, Kamereo được sáng lập bởi người Nhật Bản là Taku Tanaka vào năm 2018. Tanaka là Giám đốc vận hành (COO) của chuỗi Pizza 4P’s. Trong thời gian làm việc tại Pizza 4P’s, ông nhận thấy các nhà hàng gặp khó khăn để kết nối với nông dân. Để giải quyết vấn đề này, Tanaka đã thành lập Kamereo, nền tảng B2B với kho hàng riêng và mạng lưới giao hàng tận nơi.
Kamereo hiện xử lý các cuộc đàm phán với nhà cung cấp, quản lý đơn hàng cũng như thực hiện phân phối. Công ty vận hành các kho hàng và mạng lưới giao hàng của riêng mình giúp tiết kiệm chi phí so với sử dụng dịch vụ của bên thứ ba.
Đến nay, Kamereo đang phục vụ hơn 400 khách hàng, có quy mô từ nhà hàng thuộc sở hữu gia đình đến chuỗi nhà hàng có hệ thống hơn 20 địa điểm.
9. Vietcetera: 2,7 triệu USD
Một công ty truyền thông có trụ sở tại Việt Nam cũng lọt Top huy động vốn kỳ này, Vietcetera Media công bố huy động thành công 2,7 triệu USD trong vòng Pre-Series A, do North Base Media dẫn dắt.
Cùng với đó, vòng gọi vốn còn có sự tham gia của Go-Ventures – quỹ đầu tư có trụ sở tại Indonesia thuộc Gojek, East Ventures, Summit Media, Genesia Ventures và Z Venture Capital Corporation. Vòng gọi vốn cũng có sự tham gia của một số công ty gia đình tại Singapore và Việt Nam.
Được biết, Vietcetera Media thành lập vào năm 2016 bởi 2 nhà sáng lập Hảo Trần và Guy Trương. Nền tảng này cung cấp các nội dung bằng Tiếng Anh và Tiếng Việt ở nhiều định dạng khác nhau từ các bài viết về kinh doanh, phong cách sống đến podcast. Đến nay, Vietcetera đã thu hút được hơn 20 triệu người dùng mỗi tháng, đa phần là những người đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
10. CoderSchool: 2,6 triệu USD
Cuối cùng là startup trong lĩnh vực giáo dục, CoderSchool – đơn vị chuyên cung cấp các khóa học lập trình trực tuyến – cũng đã nhận được 2,6 triệu USD trong vòng gọi vốn pre-Series A do quỹ đầu tư mạo hiểm Monk’s Hill Ventures dẫn đầu.
Các nhà đầu tư khác tham gia vòng gọi vốn này bao gồm Iterative, XA Network và iSeed Ventures. Số tiền huy động được sẽ được sử dụng để xây dựng thêm các nội dung giảng dạy cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ cho các chương trình đào tạo kỹ thuật của CoderSchool.
Được thành lập vào năm 2015 bởi nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Charles Lee và Harley Trung, CoderSchool hiện cung cấp các khóa học liên quan tới web development, máy học và khoa học dữ liệu toàn diện cho người Việt Nam.