“Ở đây không có chiếc lò xo nào đang bị ép cả, chỉ có thu nhập bị giảm, sức mua giảm và sẽ giảm luôn… dự kiến có thể kéo dài đến 2023-2024. Chỉ một ngày nào đó các bạn thấy du lịch mở cửa trở lại, người dân hoạt động nhộn nhịp… thì chúng ta mới có thể hy vọng về một sức mua gia tăng”, ông Tài nhấn mạnh.
MWG: Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động
CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) vừa có buổi gặp gỡ nhà đầu tư, chia sẻ về tình hình kinh doanh 7 tháng đầu năm cũng như kế hoạch cho thời gian tới.
Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Tài: “Chúng ta đều biết sự liên hệ chặt chẽ giữa doanh thu bán lẻ với tình hình giãn cách. Tuỳ thuộc vào tình hình dịch bệnh diễn biến ra sau, thì chỉ số kinh doanh của MWG ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhìn nhận chung của tôi cho quý 3-4 năm nay sẽ không tốt bằng quý 1-2, vì đây là 2 quý tình trạng giãn cách kéo dài”.
Sức mua giảm và sẽ giảm luôn… dự kiến có thể kéo dài đến 2023-2024
Sang năm 2022 thì chưa thể dự đoán được, nếu dịch bệnh được kiểm soát, Chính phủ nới lỏng giãn cách, cho bán buôn trở lại… thì có thể tình hình kinh doanh phục hồi. Nhưng, chờ đợi một sự bùng nổ theo kiểu nhiều người mong đợi ví von như lò xo bị nén lại chờ ngày bung ra thì nói cho vui, để cho mấy ông nhà vật lý học nói, dân kinh doanh không nói như vậy.
“Ở đây không có chiếc lò xo nào đang bị ép cả, chỉ có thu nhập bị giảm, sức mua giảm và sẽ giảm luôn… dự kiến có thể kéo dài đến 2023-2024. Chỉ một ngày nào đó các bạn thấy du lịch mở cửa trở lại, người dân hoạt động nhộn nhịp… thì chúng ta mới có thể hy vọng về một sức mua gia tăng”, ông tài nhấn mạnh.
Dĩ nhiên trong bối cảnh nào, vị này cho biết MWG cũng đặt mục tiêu giảm ở mức tối thiểu, đồng thời sớm phục hồi mạnh mẽ hơn khi thị trường quay trở lại, cố gắng là người cuối cùng ở lại trong cuộc chơi.
Riêng năm 2021 MWG sẽ không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, có thể khả năng không về đích hiện hữu nếu tình trạng dịch bệnh phức tạp hơn: điều này MWG chấp nhận. Dự kiến, trong thời gian tới việc siết chặt giãn cách có thể khiến Công ty gặp nhiều khó khăn, các chuỗi bán lẻ có thể bị hạn chế rất nhiều…
Hay việc mở rộng của Bách Hoá Xanh theo chia sẻ cũng đang bị chậm lại đáng kể so với kế hoạch, nguyên nhân do thuê nhà không ký công chứng được và việc xây dựng cũng rất khó khăn.
Đề xuất giảm tiền thuê mặt bằng, giảm cổ tức… để đảm bảo dòng tiền kinh doanh, giữ nguyên chính sách ESOP
Trong thông báo mới nhất, MWG tiếp tục đề nghị được giảm 70-100% tiền thuê mặt bằng đối với các cửa hàng TGDĐ/ĐMX đang tạm đóng cửa cũng như hạn chế để phòng chống Covid-19. Trước đó, vào cuối tháng 6/2021, chuỗi Bách Hoá Xanh cũng đã có công văn gửi đến đối tác mặt bằng, đề nghị giảm 50% chi phí thuê mặt bằng trong 1 năm để chia sẻ khó khăn.
Bên cạnh giải pháp đề nghị giảm tiền thuê nhà, để đảm bảo dòng tiền kinh doanh, MWG thời gian qua đã có điều chỉnh lương thưởng cho nhân viên, trong đó nhân viên từ cấp giám đốc trở lên tạm thời làm việc không hưởng lương; song song bố trí lại nhân viên từ Thế giới di động và Điện máy xanh đến Bách hoá xanh nhằm tối ưu hóa năng suất của nhân viên cũng như đáp ứng nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng đối với các mặt hàng thiết yếu.
MWG còn quyết định giảm phân nửa tỷ lệ chia cổ tức về 5%/mệnh giá. MWG cho biết hiện Công ty ưu tiên đảm bảo dòng tiền cho hoạt động kinh doanh trong bối cảnh rủi ro dịch bệnh Covid-19 tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp.
Dù vậy, chính sách ESOP theo ban lãnh đạo vẫn không thay đổi.
Các khoản chi phí nửa đầu năm của MWG.
Đẩy mạnh việc tiêm vắc xin cho nhân viên để đảm bảo nhân lực trong mùa dịch
Được biết, năm 2021 MWG đặt kế hoạch 125.000 tỷ doanh thu và 4.750 tỷ LNST. Luỹ kế 7 tháng đầu năm, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 71.986 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế (LNST) là 2.784 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ). Theo đó, Công ty đã thực hiện được 58% kế hoạch doanh thu và 59% kế hoạch LNST cả năm.
Trong đó, chuỗi TGDĐ/ĐMX ghi nhận hơn 54.150 tỷ doanh thu lũy kế 7 tháng. Để duy trì doanh thu trong khi phần lớn cửa hàng đang tạm đóng hoặc hạn chế hoạt động để phòng dịch, TGDĐ/ĐMX đã tận dụng cơ hội bán hàng ở mảng online, tập trung cho những nơi ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và chuỗi ĐMS.
Đặc biệt, tháng 7 vừa qua ghi nhận kỷ lục mới của chuỗi Bách Hoá Xanh với mức doanh thu gần 4.240 tỷ đồng, luỹ kế đạt 17.600 tỷ đồng. Sự tăng trưởng vượt trội này đẩy tỷ lệ đóng góp của Bách Hoá Xanh trong tổng doanh thu của MWG lên tới 45%. Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đạt hơn 2,1 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.
Bách Hoá Xanh đang đáp ứng nhu cầu hơn 31 ngàn tấn hàng tươi sống cho khách hàng trong tháng 7, gấp gần 2,5 lần so với mức trung bình trước dịch. Nhờ đó, Bách Hoá Xanh có cơ hội được phục vụ hơn 27 triệu lượt khách hàng (tương đương 900 ngàn lượt phục vụ trung bình mỗi ngày), gấp 1,4 lần so với mức trung bình trước dịch.
Để đảm bảo nhân lực đáp ứng kinh doanh mùa dịch, MWG cũng đang đẩy mạnh việc tiêm vắc xin cho nhân viên Công ty. Thời gian qua, khi nhu cầu đẩy lên ở mức cao trong khi nhân sự bị sụt giảm (một phần do giãn cách không thể đi làm, phần còn lại do thuộc nhóm F0) đã khiến chất lượng phục vụ tại Bách Hoá Xanh giảm sút.
Ban lãnh đạo nói gì về ý kiến khảo sát cho thấy độ hài lòng của khách hàng với MWG giảm?
Cũng trả lời nhà đầu tư về ý kiến khảo sát thì thấy sự hài lòng của khách hàng với MWG đã giảm đi, đặc biệt tại chuỗi Bách Hoá Xanh trong thời gian qua, ông Tài cho biết hiện với TGDĐ/ĐMX thì MWG có và vẫn thực hiện đo lường thường xuyên về độ hài lòng.
Riêng Bách Hoá Xanh thì chưa, do đặc tính mua nhanh bán nhanh và đối tượng là bà nội trợ, nên để có thước đo độ hài lòng trên giỏ hàng thì chưa thể thực hiện. Tuy nhiên với Bách Hoá Xanh thì hiện có 2 thông số đo độ hài lòng:
+ Mức độ than phiền. Nếu khách hàng than phiền nhiều thì độ hài lòng đi xuống;
+ Doanh thu, doanh thu tăng cho thấy mức độ hài lòng tăng.
Từ đầu tháng 7 đến nay (từ thời điểm giãn cách) thì do sự tập trung rất lớn vào sản lượng, tức MWG đánh giá trong giai đoạn khó khăn này, nỗ lực để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho bà con mới là ưu tiên. Tuy nhiên nguồn lực thì không tăng đủ, con người không đi làm do lockdown hoặc 1 số bị F0… nhu cầu đẩy lên quá cao trong khi nguồn lực bị giới hạn. Như vậy, điều gì đến phải đến, chất lượng phục vụ tại MWG bị ảnh hưởng.
“Điều này cũng đúng tôi, tôi đến cửa hàng thấy khách quá đông đi, và nhân viên thì cũng đã quá mệt mỏi đi… tất cả những điều này khiến dịch vụ lủng củng. Chưa kể, có người vào Bách Hoá Xanh hốt sạch hàng, khi nhân viên yêu cầu mua theo số lượng thì họ cũng không hài lòng”, ông Tài nhấn mạnh.
Nhìn chung tháng vừa qua Bách Hoá Xanh có gặp vấn đề về chất lượng phục vụ. Nhưng, quan điểm của ban lãnh đạo là Bách Hoá Xanh chưa đạt đến thị phần lớn như Điện Máy Xanh (chiếm 40-50% thị phần toàn thị trường), nên việc mình làm tốt hay không mới đáng ăn thua.