“Mỗi đô la mà công ty giữ lại, ít nhất phải có khả năng tạo ra cho cổ đông một đô la theo giá trị thị trường”, Buffett viết khi bàn về vấn đề doanh nghiệp ưa thích giữ lại lợi nhuận thay vì chuyển thành cổ tức.
Gần bốn thập kỷ về trước, nhà tiên tri xứ Omaha Warren Buffett đã từng chia sẻ với cổ đông của Tập đoàn Berkshire Hathaway những nhận định về chính sách chia cổ tức của các doanh nghiệp. Theo đó, viết trong bức thư gửi cổ đông nhà Berkshire năm 1984, Buffett cho rằng chính sách cổ tức ít khi được phân tích rõ ràng mà chỉ được thông báo bằng một số cụ thể đến với các cổ đông.
“Một doanh nghiệp thường sẽ chỉ thông báo rằng, mục tiêu về tỷ lệ cổ tức trong năm sẽ là 40-50% lợi nhuận sau thuế, đồng thời tỷ lệ cổ tức sẽ gia tăng ít nhất bằng với lạm phát”, Buffett viết. Tuy nhiên, vị tỷ phú nhận thấy, hiếm khi có một sự phân tích nào đi kèm với thông báo đó, để chỉ ra lý do cho việc tỷ lệ này có phải là chính sách cổ đem lại lợi ích tốt nhất cho cổ đông hay không. Đặc biệt là khi những quyết định về việc phân bổ nguồn vốn sẽ cực kỳ quan trọng đối với một doanh nghiệp.
Do đó, Buffett cho rằng ban lãnh đạo và chủ sở hữu doanh nghiệp nên xem xét kỹ càng về số lợi nhuận cần được giữ lại cho hoạt động và số thu nhập sẽ dùng để chia cho cổ đông trong từng bối cảnh cụ thể. Lợi nhuận tạo ra sẽ không mang tính đồng đều, cụ thể như vấn đề lạm phát kinh tế sẽ khiến một phần hay toàn bộ lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ mang tính chất tượng trưng – hay được Buffett miêu tả bằng từ “bị hạn chế”. Khi ấy, doanh nghiệp không nên sử dụng khoản lợi nhuận này để trả cổ tức cho cổ đông mà cần giữ lại, vì rất có thể sẽ khiến công ty đó đánh mất tiềm lực tài chính và vị thế cạnh tranh.
Chủ tịch Berkshire cho biết, các khoản lợi nhuận bị hạn chế tuy vẫn có giá trị trong cơ cấu vốn chủ sở hữu của một doanh nghiệp, song giá trị thị trường của chúng sẽ bị chiết khấu rất nhiều so với giá trị sổ sách. “Một đô la lợi nhuận được giữ lại để tái đầu tư vào kinh doanh chỉ có thể được chuyển thành 25 xu theo giá trị thị trường”, tỷ phú Buffett minh họa. Vì vậy, việc giữ lại khoản vốn này để tiếp tục kinh doanh sẽ có lợi hơn, và ban lãnh đạo cần phải lựa chọn quyết định nào có lợi nhất cho cổ đông.
Thực tế, tổng tài sản của doanh nghiệp sẽ nhỏ đi bằng đúng với số tiền đã chi ra cho hoạt động trả cổ tức và giá cổ phiếu của doanh nghiệp cũng được điều chỉnh giảm tương ứng.
Về các khoản lợi nhuận tốt, không bị hạn chế, Chủ tịch Berkshire cho biết, vì nhiều lý do mà các công ty thường ưa thích giữ lại lợi nhuận này dù việc chuyển thành cổ tức chia cho cổ đông là hoàn toàn khả thi. Theo đó, các vị lãnh đạo thường mong muốn gia tăng tiềm lực tài chính của doanh nghiệp, bổ sung vốn để thực hiện đầu tư với suy nghĩ có đủ khả năng tạo ra sự gia tăng tốt hơn số vốn đã giữ lại.
Song, vấn đề Buffett muốn rõ ràng là các công ty cần chứng minh cho cổ đông khả năng này, thông qua các thành tích trước đó hoặc các phân tích về triển vọng tăng trưởng doanh nghiệp trong tương lai một cách hợp lý. “Mỗi đô la mà công ty giữ lại, ít nhất phải có khả năng tạo ra cho cổ đông một đô la theo giá trị thị trường”, Buffett viết.
Đồng thời, Buffett khuyến nghị các doanh nghiệp không nên thay đổi liên tục tỷ lệ cổ tức theo đúng những biến động trong lợi nhuận hay các cơ hội đầu tư của từng thời kỳ. Về mặt tâm lý, cổ đông sẽ thường ưa thích mức trả cổ tức ổn định và có thể tính toán được theo thời gian. Theo đó, tỷ lệ chi trả cổ tức cần phản ánh được kỳ vọng dài hạn của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp về lợi nhuận cũng tỷ suất sinh lợi cận biên. Và khi triển vọng về dài hạn ít có sự thay đổi, thì chính thức chi trả cổ tức cũng không nên có sự biến động đáng kể.
Lợi nhuận kiếm được sẽ có thể tăng lên và những doanh nghiệp vẫn giữ mức trả cổ tức như quá khứ. Nhưng, điều quan trọng với ban lãnh đạo không phải là việc chỉ chăm chăm thay đổi mức cổ tức, mà là phần lợi nhuận lẽ ra có thể trả cổ tức nhưng được công ty giữ lại phải tạo được giá trị tăng thêm cho cổ đông.